Trung-Nhật: Khoảng lặng giữa thời biến động

Từ ngày 25-27/10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Trung Quốc.

Đây là sự kiện được hai bên, trước hết là Nhật Bản, chờ đợi. Từ tháng 9/2012, Trung Quốc đã đóng băng quan hệ với Nhật Bản khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Vì thời thế thay đổi

Bắc Kinh có vẻ muốn làm lành với đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á để làm loãng nỗ lực của Washington gây áp lực lên Trung Quốc. Còn Tokyo muốn lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Trung để mở rộng thị phần tại Đại lục.

Ngày 1/10 vừa rồi, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được chính thức phát động, khi sắc lệnh của Tổng thống Mỹ áp đặt thêm 10% thuế quan đối với hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá 200 tỷ USD; còn Trung Quốc trả đũa áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Tổng thống Trump còn đe dọa sẽ đánh thuế 25% đối với 267 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Nếu vậy, Mỹ sẽ đánh thuế hầu hết 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng, Trung Quốc hết bài, vì Mỹ chỉ xuất khẩu 130 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.

Thượng đỉnh Trung - Nhật được hai bên, trước hết là Tokyo, chờ đợi.

Nhật Bản và Trung Quốc đúng là "đồng bệnh tương lân". Ông Trump cho biết sẽ đánh thuế 25% đối với các loại xe và phụ tùng xe Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ. Trung-Nhật sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường của nhau giữa lúc gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ. Tuy nhiên, quy mô đầu tư vào thị trường của nhau thì hạn chế. Nhật Bản thị trường nội địa quy mô tương đối nhỏ; Trung Quốc gặp vấn nạn sản xuất thừa.

Quá nhiều mong đợi?

Cuộc làm lành Trung-Nhật diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 40 năm ngày Hiệp ước Hòa bình được phê chuẩn (23/10/1978).

Chuyến thăm này, theo lời ông Abe, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và đưa hợp tác vào quỹ đạo đúng đắn.

Tuyên bố của các quan chức Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh hoan nghênh các công ty Nhật Bản mở rộng quy mô hợp tác trong nhiều lĩnh vực thương mại, tài chính, phát minh sáng chế và công nghệ cao.

Những nội dung như vậy đều nhằm giải tỏa áp lực từ phía Mỹ đối với Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump phát động nếu kéo dài sẽ buộc các công ty nước ngoài, gồm cả Nhật Bản, di chuyển sản xuất sang Mexico và các nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, để tránh chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ tại Trung Quốc.

Như là một phần của sự hợp tác mà ông Abe đã hứa hẹn, hai nước sẽ thỏa thuận phối hợp tại bên thứ ba nhằm triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nhật Bản có thể tham gia vào Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Vì lý do này mà nước chủ nhà bố trí để Thủ tướng Nhật Bản thăm tỉnh Tân Cương, nơi xuất phát Con đường tơ lụa cổ xưa.

Trải qua 5 năm triển khai, BRI chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, ngược lại còn bị gán cho nhãn hiệu công cụ của chủ nghĩa thực dân mới với "bẫy nợ". Nhật Bản dù sao cũng có nhiều kinh nghiệm và uy tín quốc tế với các chương trình ODA tại các nước Á-Phi.

Tại cuộc gặp Cấp cao lần thứ tư của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật-Trung, tổ chức tại Bắc Kinh cuối tuần vừa rồi, hai bên thảo luận các dự án hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng mặt trời, xây dựng đường bộ và đường sắt, cơ khí chế tạo tại châu Phi, Trung Đông và Trung Á.

Nhật Bản dự kiến cử một phái đoàn thương mại lớn nhất, gồm 579 công ty, dự Hội chợ Xuất Nhập khẩu Quốc tế tại Thượng Hải tháng tới. Hội chợ này là dịp Trung Quốc thể hiện quyết tâm mở cửa.

Hai bên hy vọng rằng, phương thức hợp tác mới giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới có thể nâng cao lòng tin của kinh tế toàn cầu.

Giữa hai bên cũng có không ít xung khắc khi Nhật Bản là một bên tham gia vào sáng kiến Khu vực Ấn Độ Dương và Thái Binh Dương Tự do và Rộng mở do Mỹ đề xướng. Trung Quốc không muốn thấy sáng kiến này trở thành tập hợp lực lượng kiềm chế Trung Quốc.

Ngoại trưởng Vương Nghị trong một dịp tiếp xúc gần đây đã nói với người đồng cấp Nhật Bản: "Quan hệ Trung - Nhật như con thuyền đi ngược dòng nước, nếu hai bên không cố gắng, mọi thứ sẽ trôi xuôi dòng".

Liệu cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể trở thành một phần trong nỗ lực chèo lái con thuyền hợp tác Trung-Nhật bơi ngược dòng thuận lợi? Câu trả lời ít lạc quan, khi xem xét kết quả cuộc điều tra dư luận mới đây do Genron NPO, một tổ chức điều tra xã hội học Nhật Bản, công bố hôm thứ năm tuần trước, trong đó, 42% người Trung Quốc được hỏi ý kiến có cách nhìn "tích cực" về Nhật Bản, tăng 5,2% so với năm 2013; trong khi chỉ 13% người Nhật có cách nhìn "tích cực" về Trung Quốc, so với 6,8% hồi năm 2014./.

Người bình luận

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-nhat-khoang-lang-giua-thoi-bien-dong-20181022221015603.htm