Trung Hoa bí sử: Vì sao phải có các nhũ mẫu trong cung cấm Trung Quốc?

Bởi nhiều lý do đặc biệt, tất cả những tiểu hoàng tử, công chúa phải được nuôi dưỡng bởi các nhũ mẫu (hay vú nuôi).

Nhũ mẫu trực tiếp nuôi dưỡng các hoàng tử, công chúa. (Ảnh minh họa).

Nhũ mẫu trực tiếp nuôi dưỡng các hoàng tử, công chúa. (Ảnh minh họa).

Những tiểu hoàng tử, công chúa ngay từ khi lọt lòng đã sống trong nhung lụa, tuy nhiên, họ lại không có được niềm hạnh phúc được được lớn lên trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của mẹ đẻ. Bởi nhiều lý do đặc biệt, tất cả họ phải được nuôi dưỡng bởi các nhũ mẫu (hay vú nuôi). Chính sự thân thiết, quyền lực có được khi nuôi dưỡng các hoàng tử, công chúa mà nhiều nhũ mẫu đã gây ra không ít tai họa...

Hoàng tử, công chúa phải có nhũ mẫu

Nhũ mẫu được gọi nôm na là bà vú hay vú em, vú nuôi, là danh từ để chỉ những người phụ nữ làm công việc chăm sóc và cho ăn những đứa trẻ sơ sinh của những gia đình khác bằng sữa mẹ.

Theo các sử gia Trung Quốc, có 4 lý do chính khiến hoàng tộc và giới quý tộc, nhà giàu thời xưa thích thuê vú nuôi. Đầu tiên, thuê vú nuôi tượng trưng cho sự giàu có, các gia đình bình thường không thể trang trải chi phí thuê vú em, chỉ có các nhà giàu mới làm được việc này.

Thứ hai, điều kiện sống thời cổ đại không tốt, dù quyền cao chức trọng hay cực kỳ nhiều tiền, những gia đình giàu có cũng không thể đảm bảo sau khi sinh song sức khỏe sẽ bình thường và người mẹ sẽ có đủ sữa để cho con bú. Để con có thể ăn no, tốt nhất nên thuê vú nuôi.

Thứ ba, thời cổ đại phụ nữ coi chồng là tất cả, là bầu trời. Sau khi sinh xong mà mải chăm sóc con, không hầu hạ chồng thì sẽ có tội, mang lỗi. Ngoài ra, đàn ông luôn có nhiều thê thiếp, nên bị thất sủng là điều rất đáng sợ với phụ nữ thời xưa. Khi có vú nuôi chăm sóc con cái, phụ nữ sau sinh mới có thể bồi bổ sức khỏe, chăm sóc nhan sắc, chuyên tâm cung phụng, hầu hạ và lấy lòng chồng mình.

Thứ tư, ở trong hoàng thất thì tình hình phức tạp hơn nhiều, phải biết rằng nếu phi tần nào may mắn được hoàng thượng sủng ái mà sinh hạ hoàng tử, công chúa thì thân phận của họ đương nhiên cũng khác đi. Thậm chí, khi hoàng tử, công chúa được hoàng đế yêu thích, địa vị của phi tần đó có thể nói là một bước lên mây. Do đó, để ngăn chặn những hệ lụy quyền lực từ việc cùng huyết thống, hoàng tử được người khác nuôi nấng, sẽ khiến tình cảm giữa mẹ và con không sâu đậm. Khi thừa kế ngai vàng họ sẽ không dành quá nhiều ân sủng cho mẹ đẻ, tránh sự lộng quyền của hoàng thân quốc thích bên ngoại.

Hoàng hậu, phi tần trong cung không thể tự tay nuôi dưỡng con mình (Ảnh minh họa).

Từ thời nhà Chu, Lễ ký đã có ghi lại quy định thỉnh nhũ mẫu chăm mớm cho con cái, từ Đại phu trở lên đến Thiên tử mới có tư cách, còn bậc Sĩ trở xuống đều phải tự mình nuôi nấng. Cung đình tuyển nhũ mẫu thập phần nghiêm khắc, tuổi, tướng mạo, thể trạng, sữa có tươi không, độ đậm nhạt cùng màu sắc của sữa đều phải kiểm duyệt. Một khi trúng cử, phục sức và ẩm thực của nhũ mẫu đều sẽ do cung đình an bài.

Cung đình nhà Minh có ghi chép về nhũ mẫu khá chi tiết. Thời này, nhũ mẫu gọi là Nãi khẩu, tuyển vào trú trong Lễ Nghi phòng bên ngoài ngạn Bắc của Đông An môn, tức xưng Nãi Tử phủ. Phủ này do Thái giám quản lý Tư Lễ giám trực tiếp coi sóc. Nãi khẩu là phải có chồng, tuổi từ 15 đến dưới 20, hình dung đoan chính, người có thai trong vòng 3 tháng liền xét tuyển. Tương truyền, quy tắc chọn nhũ mẫu là bổ khuyết, người sinh bé trai sẽ bú mớm cho công chúa, sinh bé gái bú mớm cho hoàng tử.

Đặc biệt, Hoàng tử càng phải được nuôi dưỡng kỹ càng và công phu, khác hẳn với những đứa trẻ thông thường. Tất nhiên, mất đi tình yêu thương, gần gũi của mẹ là sự đánh đổi để giành lấy ngai vàng. Và dù không được gần gũi con nhưng bất cứ phi tần nào cũng mong muốn con mình được nối ngôi.

Các triều đại Trung Hoa cho rằng, việc các hoàng tử được nuôi dạy tách biệt khỏi mẹ mình ngay từ nhỏ, tránh sự yêu thương, che chở của mẹ sẽ góp phần hình thành và duy trì sự kiên trì, dũng cảm của từng cá nhân cũng như của cả quốc gia.

Việc nuôi dạy đều được giao cho các nhũ mẫu, bởi vậy cuộc sống của các hoàng tử, công chúa phụ thuộc nhiều nhất không phải do người sinh thành mà là người nuôi nấng. Nhờ vào sự gắn bó, chăm sóc đó mà không thiếu những nhũ mẫu sau khi hoàng tử lên ngôi vương nhờ được ăn sủng đã vô cùng lộng hành, gây ra những câu chuyện đầy ai oán chốn thâm cung.

Mối quan hệ tai tiếng của Minh Hy Tông

Minh Hy Tông tên thật là Chu Do Hiệu lên ngôi năm 1620 khi mới 15 tuổi. Dù đã là vua của một nước, Minh Hy Tông từ nhỏ tới khi băng hà đều luôn quấn quýt bên Khách thị - nhũ mẫu của ông như hình với bóng. Minh Hy Tông là con trưởng của Minh Quang Tông Hoàng đế, ông băng hà sau 29 ngày tại vị. Mẹ của Minh Hy Tông là Hiếu Hòa Hoàng hậu Vương thị không may mất sớm nên từ nhỏ, Minh Hy Tông đã sống trong sự chăm sóc của vú nuôi Khách thị.

Các công chúa, hoàng tử chỉ được gặp mẹ ruột trong những dịp đặc biệt.

Tuy nhiên, hồi nhỏ Chu Do Hiệu rất kén vú nuôi, có hàng trăm vú nuôi được tuyển chọn vào cung nhưng không ai có thể cho Hoàng tử bú được. Chỉ đến khi Khách thị được đưa vào cung thì lúc đó Chu Do Hiệu mới ngoan ngoãn nghe lời. Lúc ấy, Khách thị khoảng 18 tuổi, đã có chồng là một nông dân ở Bảo Định, Hà Bắc và có một đứa con gái. Tuy nhiên, đứa con gái của bà không may qua đời chỉ sau khi sinh khoảng một tháng.

Cho Du Hiệu cứ thế lớn lên trong sự chăm sóc của Khách thị. Theo quy định, các nhũ mẫu sẽ phải rời khỏi cung điện trước khi Hoàng tử lên 7 tuổi nhưng Khách thị thì không. Càng trưởng thành, Cho Du Hiệu càng quấn quýt hơn với người nhũ mẫu này. Thậm chí, nếu không gặp nhũ mẫu ít nhất một lần một ngày, Cho Du Hiệu sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong người

Tuổi thơ của Minh Hy Tông gắn liền với nhũ mẫu nên việc nảy sinh tình cảm giữa hai người cũng không phải là chuyện gì khó tưởng tượng. Tuy nhiên, tình cảm giữa Khách thị và Minh Hy Tông không chỉ đơn thuần là tình thương như con dành cho mẹ mà là của những cặp tình nhân đối đãi với nhau. Thậm chí, các nhà sử gia còn khẳng định rằng chắc chắn giữa Minh Hy Tông và Khách thị có chuyện ân ái.

Khi Minh Hy Tông lên ngôi vua, Khách thị đã trên dưới 40 tuổi nhưng bà vẫn đẹp tựa mỹ nhân 28 tuổi, khiến Minh Hy Tông đang độ tuổi xuân thì mê mẩn. Hơn nữa, dù là gái góa chồng nhưng vốn xinh đẹp lẳng lơ nên chưa bao giờ Khách thị tự coi mình là nhũ mẫu của Minh Hy Tông.

Minh Hy Tông được đồn đoán rằng đã có quan hệ bất chính với Khách thị.

Theo sử liệu ghi chép, mỗi sáng sớm, Khách thị đều tới tẩm cung của Minh Hy Tông để hầu hạ vua cho tới nửa đêm mới về. Chính vì có tình ý với nhũ mẫu nên khi Minh Hy Tông lên ngôi Hoàng đế chưa được bao lâu, ông đã phong cho Khách thị làm Phụng Thánh phu nhân. Vào mỗi dịp sinh nhật Khách thị, Minh Hy Tông đều đích thân tới chúc phúc không khác gì mẹ ruột.

Có sử liệu ghi rằng, do chiếm được cảm tình của Minh Hy Tông nên Khách thị được thể ghen tuông vô cớ, làm hại vô số phi tần được nhà vua sủng ái. Năm 1623, Hoàng hậu có thai nhưng do luôn đối đầu với Khách thị và đại hoạn quan Ngụy Trung Hiền nên bà bị hai kẻ này hãm hại. Đứa trẻ chết trong bụng mẹ và sau được truy phong làm Hoài Xung thái tử Chu Từ Nhiên.

Tiểu Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/trung-hoa-bi-su-vi-sao-phai-co-cac-nhu-mau-trong-cung-cam-trung-quoc-d151221.html