Trung - Hàn khẩu chiến về mũ rộng vành

Những ngày qua, trên mạng xã hội đã nổ ra cuộc tranh cãi về nguồn gốc của chiếc mũ rộng vành của cư dân mạng hai nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Đặc biệt, cuộc tranh cãi còn thu hút cả giới văn nghệ, giới nghiên cứu…

Biên kịch Vu Chính đăng ảnh trên Instagram về mũ thời nhà Minh

Biên kịch Vu Chính đăng ảnh trên Instagram về mũ thời nhà Minh

Nam diễn viên, người mẫu thời trang Trung Quốc 24 tuổi Hứa Khải (Kevin Xu), người nổi tiếng nhờ phim cổ trang “Diên Hy Cung lược”, gần đây đã chia sẻ trên Weibo những bức ảnh vai diễn của mình trong bộ phim cổ trang mới “Thượng Thực”. Việc này đã bất ngờ gây ra một cuộc tranh cãi giữa cư dân mạng hai nước Trung Quốc, Hàn Quốc về Hán phục (Hanfu) và Hàn phục (Hanbok).

Sau đó, Vu Chính, nhà sản xuất và đạo diễn phim Thượng Thực, cũng tham gia vào cuộc luận chiến trên Weibo, khiến chủ đề này ngày càng trở nên nóng hơn, chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách tìm kiếm nóng suốt nhiều ngày.

Mũ của Hứa Khải trong phim Thượng Thực và mũ thời nhà Minh

Được biết, phim Thượng Thực có sự tham gia của Hứa Khải, Ngô Cẩn Ngôn... Hứa Khải đóng vai Minh Huyền Tông (Chu Chiêm Cơ) trong phim. Câu chuyện kể về Diêu Tử Khâm, một cung nữ của cục Thượng Thực (chuyên lo về ăn uống cho hoàng gia), người lớn lên trong thâm cung vào thời Vĩnh Lạc của nhà Minh luôn duy trì tình yêu say mê đối với ẩm thực Trung Hoa.

Sau khi Hứa Khải chia sẻ bức ảnh vào lúc 7 giờ tối thứ Tư (4/11), một số cư dân mạng đã chỉ trích chiếc mũ rộng vành mà anh ta đội rất giống với các nhân vật trong bộ phim cổ trang Hàn Quốc và nghi ngờ rằng nó được sao chép từ phim truyền hình Hàn Quốc.

Sau khi biết chuyện, đạo diễn Vu Chính đã để lại một lời nhắn trên mạng vào lúc 10 giờ tối cùng ngày, nói rằng: “Đây rành rành là Hanfu triều Minh không thể vì Cao Ly (Hàn Quốc khi đó), là nước chư hầu của nhà Minh (sau này được Chu Nguyên Chương đặt tên là Triều Tiên) sử dụng mà những kẻ vô học gọi là Hanbok”. Sau đó, một số lượng lớn cư dân mạng đã đăng tải một số bức ảnh hình chân dung người thời nhà Minh, để chứng minh rằng chiếc mũ rộng vành trong phim Thượng Thực là Hanfu thời nhà Minh, không phải Hanbok.

Vấn đề càng ngày càng nóng, rất nhiều cơ quan truyền thông lần lượt gia nhập “cuộc chiến”. Một số cư dân mạng đại lục đã đăng lại thông tin liên quan lên các diễn đàn trực tuyến của Hàn Quốc khiến cư dân mạng Hàn Quốc rất bất bình. Cư dân mạng Hàn Quốc nghi ngờ Vu Chính có dã tâm làm bậy. Họ không chỉ cáo buộc Vu Chính đã “cưỡng bức coi Hanbok là Hanfu”, mà còn châm biếm ông là người vô văn hóa. Các cư dân mạng Trung Quốc ngay lập tức phản công, chế giễu “Nàng Dae Jang Geum ăn trộm Trung y, Hàn Quốc ăn trộm Tết Trung thu”. Vu Chính cũng đăng các chân dung của Vương triều Minh lên Instagram để đáp trả.

Theo truyền thông Trung Quốc, chiếc mũ rộng vành là một trong những trang phục hàng đầu quan trọng nhất của nam giới thời nhà Minh được hoàng đế đến dân thường sử dụng rộng rãi. Quả cầu trên chỏm mũ thì nguồn gốc vào thời nhà Thanh. Đồng thời, mũ rộng vành cũng là trang phục chính quan trọng của nam giới thời nhà Minh, gần với tính chất của mũ lễ. Chiếc mũ này thường được dùng làm phần thưởng ban cho các bộ lạc lân cận và các nước chư hầu, cũng được ghi lại trong “Minh thực lục”, vì vậy có giả thuyết cho rằng mũ rộng vành Triều Tiên phát triển từ mũ rộng vành của nhà Minh.

Truy tìm nguồn gốc vụ việc, người ta thấy Blogger truyện tranh Trung Quốc @oldxian, mới là người khơi mào cuộc tranh luận giữa cư dân mạng Trung Quốc và Hàn Quốc về Hanfu có trước hay Hanbok trước. Cô ta đã đăng tải một nhóm tác phẩm có tên “Bản mashup phong cách cổ đại” trên Twitter, bị cư dân mạng Hàn Quốc công kích là “phong cách lai căng Trung Quốc và Hàn Quốc” vì mũ và trang phục trong hình đều là của Hàn Quốc và đã đặt nghi vấn blogger sao chép và không ghi rõ nguồn gốc Hàn Quốc là hành vi trộm cắp. Sau đó, cư dân mạng Trung Quốc đã bảo vệ và phản pháo lại rằng Hanbok có nguồn gốc từ Hanfu.

Trước những lời chỉ trích từ cư dân mạng Hàn Quốc, cư dân mạng Trung Quốc cũng tham gia tranh cãi. Đồng thời, họ phát động chiến dịch “Vượt tường để bảo vệ Hanfu” trên Weibo và phát động phản công trên Twitter và các nền tảng khác ở nước ngoài để chính danh cho Hanfu. Truyền thông Trung Quốc phổ biến cho rằng, người ta lầm tưởng rằng mũ rộng vành chỉ xuất hiện trong các bộ phim cổ trang của Hàn Quốc, và một số người cho rằng sự phân biệt giữa mũ rộng vành nhà Minh và mũ rộng vành Triều Tiên chủ yếu dựa trên chóp tròn hoặc đỉnh bằng.

“Trên thực tế, Hanfu thời nhà Minh, những chiếc mũ có chóp tròn và chóp bằng phẳng đều đã xuất hiện trong các thời kỳ khác nhau. Mũ rộng vành của Triều Tiên phát triển từ mũ nhà Minh, tuy có những đặc điểm riêng sau hàng trăm năm phát triển trên bán đảo Triều Tiên nhưng nó vẫn không thoát ra khuôn mẫu chiếc mũ rộng vành nhà Minh”.

Vào sáng ngày 4/11, Viện nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng đăng trên Weibo về Hanbok, nói rằng: “Hàn Quốc cổ đại vốn không có hệ thống trang phục riêng, mà nó được cải tiến theo trang phục thời nhà Minh để tạo thành trang phục mà mọi người thấy trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc ngày nay. Sự thật lớn hơn hùng biện và lịch sử không thể bị sửa đổi. “Văn hóa mũ áo, giống như Trung Quốc”, đó mới là sự thật lịch sử của Hanbok”.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-han-khau-chien-ve-mu-rong-vanh-1746738.tpo