Trung - Hàn chạy đua giành ưu thế về chiến đấu cơ tàng hình

Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai đối thủ về công nghệ quân sự đánh dấu một sự chia rẽ nữa trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới nổi, theo đánh giá của tờ Asia Times.

Cuộc chạy đua tăng tốc tại châu Á nhằm phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo đang thu hút sự chú ý của các 'ông lớn' công nghệ. Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc đang nổi lên là hai đối thủ công nghệ quân sự ở hai phía đối nghịch của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nổi.

Hiện nay, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đã có mẫu máy bay chiến đấu tàng hình bản địa tương ứng của họ là KF-21 Boramae và Chengdu J-20. Hai mẫu máy bay này ra đời là nhằm lấp đầy khoảng trống năng lực tác chiến trên không, hướng tới duy trì sự độc lập chiến lược và linh hoạt về sức mạnh khoa học công nghệ trên các đấu trường khu vực và quốc tế của hai nước này.

KF-21 tối tân trong làng tiêm kích thế hệ 4.5

Tháng trước, Hàn Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các nhà phát triển máy bay chiến đấu tối tân khi hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay chiến đấu KF-21 Boramae, theo Defense News.

Theo bài viết này, chiếc KF-21 cất cánh từ căn cứ không quân của Hàn Quốc tại Sacheon, tỉnh Nam Gyeongsang, được trang bị 4 tên lửa Meteor (BVR) và bay với tốc độ 400 km/giờ trong 30 phút để kiểm tra các chức năng cần thiết của máy bay.

Hàn Quốc đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của KF-21. Ảnh: Asia Times/KAI.

Hàn Quốc đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của KF-21. Ảnh: Asia Times/KAI.

KF-21 là máy bay thế hệ 4,5 với các khả năng tiên tiến, chẳng hạn như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), liên kết dữ liệu dung lượng cao, hệ thống điện tử hàng không hiện đại và khả năng triển khai các loại vũ khí tiên tiến và có thể dự phóng khả năng triển khai vũ khí.

Tuy nhiên, không giống như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, KF-21 thiếu khoang chứa vũ khí bên trong và điều này có thể ảnh hưởng đến các đặc tính tàng hình và khả năng xử lý tình huống của loại máy bay này.

Mặc dù được quảng cáo là một thiết kế hoàn toàn bản địa sử dụng tỷ lệ cao các bộ phận do Hàn Quốc sản xuất, nhưng KF-21 có thể đã tiếp thu một số ý tưởng thiết kế từ F-35 của Mỹ, điều thể hiện qua một số nét tương đồng về hình ảnh bên ngoài của hai máy bay.

Ngoài ra, KF-21 còn được trang bị hai động cơ General Electric F414 do Mỹ sản xuất, giúp chi phí vận hành thấp hơn và ít tiêu hao năng lượng hơn so với các động cơ khác trên các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hoặc 5 tương đương.

Nhà phân tích vũ khí Thomas Newdick của The Warzone lưu ý rằng KF-21 có thể cùng phối hợp với một máy bay không người lái tấn công nội địa của Hàn Quốc. Trong khi KF-21 được thiết kế với Triều Tiên là đối thủ chính, Newdick cho rằng KF-21 có thể được triển khai tới Liancourt Rocks, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí đáng kể dưới biển và đang tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hơn nữa, Hàn Quốc có thể chào bán KF-21 cho các khách hàng nước ngoài vì Indonesia đã bày tỏ quan tâm đến việc mua loại máy bay này và cam kết gánh 20% chi phí phát triển. Hàn Quốc hy vọng chi phí thay thế phụ tùng của KF-21 sẽ ít tốn kém hơn so với các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 và 5 do phương Tây sản xuất.

Trung Quốc cũng đang trên lộ trình phát triển chiến đấu cơ tương tự. Năm 2010, J-20 trở thành máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc được tiết lộ trước công chúng, nhà phân tích Carlo Kopp tại tổ chức Air Power Australia cho biết.

Ưu thế và hạn chế của J-20

Nhà phân tích Carlo Kopp đề cập rằng J-20 được thiết kế để cạnh tranh với F-22 của Mỹ và cũng có hình dạng phần nào tương tự với loại máy bay này.

J-20 có thể được trang bị các loại vũ khí của Trung Quốc hoặc Nga hiện tại và trong tương lai. Loại máy bay này có khoang chứa vũ khí bên trong - một đặc điểm chính của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cho phép chúng duy trì khả năng tàng hình, không giống như các thiết kế thế hệ 4,5 như KF-21.

J-20 được phát triển với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ tầm xa. Ảnh: Asia Times.

Ông Kopp lưu ý rằng mặc dù J-20 có khả năng tàng hình rất tốt, nhưng vẫn chưa rõ liệu các thành phần khác của máy bay, chẳng hạn như động cơ, hệ thống điện tử và vật liệu chế tạo có cạnh tranh được với F-22 hay không.

Hiện tại, J-20 còn bị hạn chế bởi Trung Quốc chưa có khả năng sản xuất động cơ phản lực chất lượng cao, theo Asia Times. Do vậy, các máy bay J-20 với động cơ phản lực của Nga hoặc Trung Quốc hiện tại chưa đủ sức mạnh và dễ bị tổn thương trong các cuộc không chiến với máy bay chiến đấu của Mỹ.

Tuy nhiên, J-20 có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ chống lại F-22 nếu công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không quân sự phát triển. Ở mô hình hiện tại, Kopp cho rằng J-20 hơn hẳn F-35 và F/A-18E/F, vì những máy bay này được thiết kế cho các hoạt động không tàng hình.

Khi so sánh KF-21 và J-20, chiếc máy bay của Hàn Quốc dường như có tầm bay hạn chế hơn, điều phục vụ cho mục đích duy trì an ninh ở bán đảo Triều Tiên. Còn J-20 có thể được thiết kế để hoạt động phạm vi rộng hơn và có tầm bắn phục vụ cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa.

J-20 cũng được trang bị khoang chứa vũ khí bên trong và do đó có thể hiệu quả hơn trong việc xâm nhập không phận được bảo vệ so với KF-21. Động cơ mạnh hơn và các đặc tính tàng hình vượt trội của J-20 cũng có thể mang lại cho nó những lợi thế nhất định trong không chiến - mặc dù phụ thuộc nhiều vào hiệu suất của cả hệ thống điện tử hàng không, cảm biến, đạn dược, đào tạo phi công và cả học thuyết về không quân.

Tuy nhiên, trong khi thông số kỹ thuật của các loại máy bay này vẫn chỉ được tiết lộ một cách hạn chế thì việc sử dụng chúng trong môi trường thực tế vẫn còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển của máy bay không người lái ngày càng có nhiều tính năng tối tân và khả năng sát thương cao, thì chiến lược phát triển các máy bay chiến đấu cũng cần phải được đánh giá lại.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/trung-han-chay-dua-gianh-uu-the-ve-chien-dau-co-tang-hinh-20220801154102494.htm