Trung Đông và Bắc Phi – 'Khách hàng vàng' của công nghiệp quốc phòng Nga

Trong khuôn khổ triển lãm quân sự Dubai Airshow 2017 đang diễn ra tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), đại diện Cơ quan Hợp tác quốc phòng Nga tuyên bố, Moscow đã đạt được một loạt thỏa thuận quan trọng, giá trị trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng với các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi chọn trang bị quân sự Nga không chỉ vì tính hiệu quả của chúng, mà còn là cơ hội hợp tác phát triển nền quốc phòng nội địa.

UAE - Đối tác quan trọng tại Trung Đông

Từ trước tới nay, hợp tác quân sự quốc phòng giữa Nga và UAE luôn được duy trì với nhịp độ vừa phải. Hiện tại, phần lớn trang bị quân sự của Quân đội UAE có nguồn gốc từ Mỹ, Pháp, Anh, Nam Phi, Thụy Điển, Brazil và Trung Quốc. Trong khi đó, các sản phẩm quốc phòng nội địa của UAE và Nga có, nhưng rất hạn chế. Quân đội UAE hiện chỉ sở hữu các tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, pháo phản lực Grad và Smerch nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, xu hướng này có thể đảo chiều trong thời gian tới.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, UAE nhập khẩu trang bị quân sự từ nhiều quốc gia khác nhau mục đích chính không phải nằm ở trang bị quân sự được chọn, mà Dubai cần sự ủng hộ chính trị từ các quốc gia xuất khẩu vũ khí. Chỉ có cường quốc dầu mỏ như UAE mới có đủ tiềm lực tài chính cùng lúc duy trì nhiều dòng vũ khí từ nhiều quốc gia khác nhau như vậy. Gần đây, UAE bắt đầu chú ý tới tới ngành sản xuất quốc phòng nội địa và muốn thông qua các hợp đồng quân sự lớn để được chuyển giao công nghệ quốc phòng từ nước ngoài. Đây chính là cơ hội lớn cho Nga, khi Mỹ và phương Tây rất hạn chế chia sẻ công nghệ quân sự ra nước ngoài.

Máy bay chiến đấu Mig-35.

Su-35 đang là dòng máy bay chiến đấu nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ví dụ rõ ràng nhất cho hợp tác quốc phòng giữa UAE và Nga mới đây là chương trình phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ 5. Nga và UAE đã đạt được thỏa thuận về vấn đề này từ tháng 2-2017 và tại Dubai Airshow 2017, hai bên tiếp tục đàm phán về các điều kiện cụ thể liên quan tới hợp tác giữa hai bên.

Khi nói về chương trình hợp tác phát triển máy bay thế hệ thứ 5 giữa Nga và UAE, Giám đốc Tập đoàn Rostec, Sergei Chemezov cho biết, máy bay tiêm kích tương lai sẽ được phát triển trên cơ sở máy bay Mig-29 và Mig-35; quá trình phát triển máy bay mới sẽ kéo dài khoảng 8 năm. Máy bay thế hệ 5 mới sẽ không chỉ dành cho UAE, mà Không quân Nga cũng cân nhắc đặt mua chúng.

“Tôi có thể chắc chắn UAE không thiếu tài chính dành cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Mong muốn được tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến của UAE là hoàn toàn hợp lý. Đó cũng là phương án mang lại lợi ích song phương. UAE được tiếp cận công nghệ quân sự hiện đại giúp tăng cường nền công nghiệp quốc phòng nội địa. Trong khi đó, Nga sẽ có thêm nguồn tài chính dành cho các chương trình vũ khí tương lai. Đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới, UAE chắc chắn là khách hàng đầu tiên và cũng không phải là khách hàng cuối cùng”, chuyên gia Andrey Frolov, Tổng biên tập Tạp chí quân sự Arms Export đánh giá.

Đôi bên cùng có lợi

Khi nói về chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 mới với UAE, giới chuyên gia quân sự quốc tế cũng bày tỏ hoài nghi về số phận của nó liệu có giống như chương trình hợp tác Nga-Ấn FGFA, dòng máy bay tiêm kích hạng nặng được phát triển trên cơ sở công nghệ của máy bay tiêm kích hạng nặng thế hệ thứ 5 Su-57. Giới chức quân sự Ấn Độ mới đây đã tỏ thái độ hoài nghi về tính năng của máy bay FGFA và cho rằng nó không có ưu thế vượt trội so với dòng máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ F-35 Lightning II. Tuy nhiên, lập luận này đã bị chuyên gia Douglas Barry thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) phản bác và cho rằng New Delhi đang muốn có thêm các điều khoản có lợi khi đàm phán thực hiện FGFA. Điều này chắc chắn sẽ không lặp lại tại chương trình hợp tác giữa Nga và UAE.

Trong chương trình phát triển không quân dài hạn của Nga, Moscow đã có ý tưởng về việc phát triển song song hai dòng máy bay thế hệ thứ 5 mới thuộc phân khúc hạng nặng và hạng nhẹ. Các máy bay tiêm kích hạng nhẹ mới sẽ đảm nhiệm chức năng tiêm kích đánh chặn, hỗ trợ hỏa lực mặt đất, còn máy bay hạng nặng nhận nhiệm vụ giành ưu thế trên không. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính đầu những năm 2000 đã buộc Nga chỉ có thể tập trung vào phát triển máy bay tiêm kích hạng nặng với tên dự án là PAK FA. Với việc đạt được thỏa thuận với UAE, chương trình phát triển máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 5 của Nga đã được hồi sinh. Nhiều khả năng, chương trình phát triển máy bay thế hệ 5 mới của Nga sẽ tương tự như máy bay F-35 của Mỹ, khi nhiều quốc gia cùng góp vốn và chia sẻ công nghệ phát triển. Đây chính là cơ hội vàng cho UAE khi được tiếp cận công nghệ hàng không hàng đầu thế giới.

Ngoài máy bay tiêm kích tương lai, trong ngắn hạn, Nga và UAE sẽ sớm có thỏa thuận liên quan tới việc chuyển giao máy bay chiến đấu thế hệ 4++, Su-35. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, UAE sẽ là quốc gia thứ 2, sau Trung Quốc sở hữu dòng máy bay tiêm kích hiện đại này. Trong biên chế Không quân UAE, Su-35 sẽ phối hợp với “các đối thủ” F-16 và Mirage-2000-5.

“Việc Nga thâm nhập sâu vào thị trường vũ khí UAE có thể giải thích là do Dubai muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung chính. Mặt khác, vai trò chính trị của Nga tại Trung Đông đã thay đổi đáng kể sau khi tham chiến tại Syria”, chuyên gia Andrey Frolov đánh giá.

Không chỉ có UAE…

Sau những màn biểu diễn tuyệt vời tại Syria, không chỉ UAE, mà nhiều quốc gia khác tại Cận Đông và Bắc Phi đã dành sự chú đặc biệt tới vũ khí, trang bị quân sự Nga, đặc biệt là những loại đã được thử lửa chiến trường.

Algeria có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngoài Nga sở hữu "Thú mỏ vịt" Su-34.

Tổ hợp tên lửa S-400 Triumph.

Cụ thể, các quốc gia Bắc Phi đang rất quan tâm tới các máy bay Sukhoi. Algeria, quốc gia đang sở hữu 44 máy bay Su-30MKA, phiên bản tương tự như Su-30SM của Không quân Nga, đã đàm phán với phía Nga về khả năng nhập khẩu máy bay tiêm kích bom Su-34. Tại Syria, Su-34 đã thể hiện tính năng tuyệt vời chống lại các mục tiêu trên bộ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cùng với trang bị không quân, các trang bị vũ khí lục quân và phòng không Nga cũng nhận được chú ý lớn tại Dubai Airshow 2017. Cụ thể, trong khuôn khổ triển lãm, Nga và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph. Dòng vũ khí phòng không lợi hại này cũng được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc; Nga và Ai Cập đã ký thỏa thuận liên quan tới tổ hợp tên lửa S-300VM Antey-2500; tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-E đã có hợp đồng xuất khẩu đầu tiên tới Algeria…

Thông tin về các thỏa thuận hợp tác trên chỉ là phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về thị trường cung cấp vũ khí Nga tại Bắc Phi và Cận Đông. Theo lời lãnh đạo Công ty quốc doanh Rosoboronexport, Alexander Mikheev, tổng giá trị các hợp đồng vũ khí của các quốc gia Bắc Phi và Cận Đông đã chạm mốc 8 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2017.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/trung-dong-va-bac-phi-khach-hang-vang-cua-cong-nghiep-quoc-phong-nga-523778