Trung Đông: Tiến trình hòa bình mờ mịt sau 'quả bom' Golan

Theo Reuters và AFP, việc Tổng thống Donald Trump hôm 21/3 tuyên bố, đã đến lúc thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan không chỉ là món quà hậu hĩnh đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giữa chiến dịch vận động tái tranh cử mà còn cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ tại khu vực này.

“Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”, Trump viết trên Twitter.

Đáp lại, đương nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã cảm ơn Tổng thống Trump vì động thái này. Trong khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng động thái của ông Trump là “khôn ngoan chiến lược và hoàn toàn tuyệt vời” thì cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta coi chính sách này đi ngược lại các đối tác quốc tế của Mỹ.

Israel chiếm Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã khiến Mỹ thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với khu vực tranh chấp này và đã đề cập khả năng này tại cuộc gặp đầu tiên của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017.

Dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Cao nguyên Golan và tweet "đáp từ" của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

"Quả bom" ngoại giao

Và nếu như quyết định trước đây của ông Trump chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã khiến Palestine nổi giận thì động thái mới nhất này của đương kim Tổng thống Mỹ cũng vấp phải không chỉ trích.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Mỹ “hoàn toàn vượt quá luật pháp quốc tế”, đồng thời khẳng định quyền sở hữu của Syria với cao nguyên này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bình luận trên Twitter rằng Ankara “ủng hộ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Syria”, và rằng những nỗ lực của Washington nhằm hợp pháp hóa những hành động bất hợp pháp của Israel sẽ chỉ dẫn đến bạo lực ở khu vực”.

Giới phân tích cho rằng, động thái này của ông Trump dường như là sự thể hiện công khai nhất từ trước đến nay sự hậu thuẫn đối với Thủ tướng Netanyahu, người hiện gặp khó trong cuộc đua cạnh tranh sít sao trong cuộc bầu cử vào ngày 9/4 này đồng thời cũng phải đối đầu với các cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, trả lời mạng tin Fox Business, ông Trump phủ nhận điều này.

Tuyên bố của Trump được đưa ra đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công du Jerusalem, thăm Bức tường phía Tây (hay còn gọi là Bức tường Than khóc) cùng với Thủ tướng Israel. Đây được đánh giá là sự thông qua ngầm của Mỹ đối với việc thừa nhận Israel có chủ quyền đối với địa danh này, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Do Thái và nằm chủ yếu ở Đông Jerusalem của Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman chạm vào những viên đá ở Bức tường phía Tây trong chuyến thăm thành cổ Jerusalem hôm 21/3/2019. (Nguồn: Reuters)

Theo AFP, việc thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Israel là một “quả bom ngoại giao” của Washington nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ Trung Đông, như cách mà Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp những thực tiễn ngoại giao tồn tại hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ mục tiêu thứ hai của “quả bom” này nhằm khẳng định ông Netanyahu là người tuyệt đối cần thiết (trong chính sách về Trung Đông của Mỹ).

Hòa bình Trung Đông mờ mịt

Từ tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “dọn đường” cho tuyên bố này của Tổng thống Trump khi thay đổi cụm từ miêu tả Cao nguyên Golan từ “do Israel chiếm đóng” thành “do Israel kiểm soát” trong báo cáo nhân quyền thường niên. Trong khi đó, một nguồn tin cấp cao tiết lộ rằng, vài ngày qua, Tổng thống Trump đã thảo luận về quyết định liên quan tới Cao nguyên Golan với Ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, cố vấn cấp cao Jared Kushner, đặc phái viên về Trung Đông Jason Greenblatt và Đại sứ Mỹ ở Israel David Friedman. Những nhân vật nói trên đều ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, không rõ khi nào Nhà Trắng mới chính thức xác nhận về tuyên bố trên Twitter của ông chủ Tòa bạch ốc.

Bình luận về quyết định Golan của Tổng thống Trump, Richard Haass - cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng quyết định của ông Trump vi phạm Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó, loại bỏ việc chiếm đóng lãnh thổ thông qua chiến tranh. Được thông qua sau cuộc chiến năm 1967, nghị quyết này kêu gọi Israel rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đảm bảo quyền của các nước trong khu vực được sống hòa bình trong phạm vi biên giới lãnh thổ được thừa nhận.

Mặc dù tuyên bố Golan có thể là món quà chính trị của Tổng thống Trump dành cho Thủ tướng Netanyahu, nhưng theo Reuters, tuyên bố này có thể gây phức tạp cho các kế hoạch hòa bình Trung Đông bị trì hoãn lâu nay của Mỹ sau khi bầu cử ở Israel kết thúc. Việc thừa nhận Golan đã loại bỏ mất điểm mấu chốt trong thỏa thuận hòa bình Trung Đông và nó có thể gây ra những rắc rối thực sự với các đồng minh Arab của Mỹ ở khu vực này. Tất cả những điều này có thể khiến những triển vọng về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ thêm mờ mịt.

(theo Reuters, AFP)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/trung-dong-tien-trinh-hoa-binh-mo-mit-sau-qua-bom-golan-90407.html