Trung Đông: Thị trường tiềm năng lớn chưa được khai thác tốt

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Kuwait tại Tp.HCM vừa tổ chức hội thảo 'Hành trình đến với thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait'.Nhiều nước Trung Đông có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc...

Trung Đông là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn mà doanh nghiệp Việt chưa được khai thác tốt.

Đây là hai thị trường được giới nghiên cứu xúc tiến thương mại đánh giá nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông hiện nay.

UAE: cơ hội nhiều nhưng chưa khai phá được

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait là 2 trong 6 quốc gia (gồm UAE, Saudi Arabia, Quatar, Bahrain, Kuwait, Oman) thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council – GCC). Thị trường khu vực này với tiềm năng lớn về khoáng sản, dầu mỏ nên thu nhập và tiêu dùng khả quan.

Do điều kiện không thuận lợi về đất đai và nguồn lao động, nên các nước GCC có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc... Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hải sản, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết.

UAE nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, đóng vai trò trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới. UAE có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu khoảng 265 tỷ USD ở năm 2017.

Trong khi đó, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE mới đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển hàng hóa xuất sang UAE, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...

Trong đó, nhóm hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bước đầu có mặt tại thị trường UAE. Trong những năm tới, đây sẽ là nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt ở UAE do nhu cầu xây dựng tại đây đang ngày càng tăng cao. Số lượng dự án tại UAE chiếm khoảng 30% tổng số các dự án đang được triển khai tại Trung Đông.

Nhiều khoản đầu tư lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, chủ yếu tại Abu Dhabi và Dubai. Hơn nữa, Dubai đã giành được quyền đăng cai Expo 2020 với mức đầu tư hạ tầng 7 tỷ USD sẽ góp phần đưa thị trường xây dựng bùng nổ trở lại trong những năm tiếp theo.

Một điều mà các doanh nghiệp cần chú ý là, mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác tại thị trường UAE đều được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai.

Để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận sâu vào thị trường, ngày 22/10 tới đây, đoàn lãnh đạo cấp cao Tp.HCM sẽ dẫn đoàn doanh nghiệp thành phố đi xúc tiến thị trường khu vực này. Tại hoạt động xúc tiến, gặp gỡ phía lãnh đạo các thị trường, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ những thông tin về quy định, chính sách thị trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào Kuwait

Kuwait là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông, phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, do vậy nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn và đa dạng (tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 30 tỷ USD), gồm các mặt hàng chính như điện tử, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc, ôtô, hàng may mặc,... Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait mới chỉ đạt khoảng 70 - 75 triệu USD/năm (khoảng 0,25% thị phần).

Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait còn rất lớn, tập trung vào một số mặt hàng như nông lâm thủy sản (chè, cà phê, hoa quả sấy khô, đóng hộp, nước uống lon, nước ép hoa quả, điều, tiêu), gia vị, quần áo, đồ gỗ, trầm hương, hương liệu, lụa cao cấp, ngọc trai cao cấp, than củi, vật liệu xây dựng (đá marble, granite trắng)...

Ông Jasem Abomarzouq, Phó tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại Tp.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần so với cả năm 2017, đạt khoảng 1,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Kuwait khoảng 54 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Kuwait đạt 1,37 tỷ USD.

Trong tương lai, Kuwait mong muốn hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn nữa tại thị trường Kuwait nói riêng và thị trường các nước GCC nói chung.

Bên cạnh thúc đẩy giao thương, thời gian qua, doanh nghiệp một số ngành nghề đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư với thị trường Kuwait. Đơn cử như trong lĩnh vực xây dựng, có thể kể đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã và đang dành được nhiều dự án về xây dựng quan trọng và chiến lược tại đây.

Ngoài ra, với đà phát triển nền kinh tế, Kuwait hiện đang có nhu cầu lớn về cả lao động phổ thông lẫn lao động kỹ thuật. Hiện tại Kuwait đang có khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam làm việc. Trong bối cảnh Kuwait là một nước giàu có với trữ lượng lớn dầu mỏ, khí tự nhiên nên có rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường này.

Do đó mỗi năm Kuwait có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nghìn người lao động nước ngoài sang làm việc. Từ đầu năm 2015, Kuwait đã chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam ở các ngành nghề: xây dựng, kiến trúc, cơ khí - chế tạo, chế biến, công nhân giàn giáo, thợ hàn, thợ điện...

Như chia sẻ của các doanh nghiệp ngành vận tải biển, hiện giá cước vận chuyển container đến khu vực thị trường này đã giảm nhiều so với trước kia. Có nhiều hình thức chuyển hàng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn, ngoài đi hàng container, doanh nghiệp còn có thể đi hàng dạng đóng ghép.

Do vậy, có thể nói điều kiện xuất nhập khẩu là có, thị trường triển vọng, nên có tăng được kim ngạch hay không thì điều quan trọng là chỉ phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.

Lê Mây

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/trung-dong-thi-truong-tiem-nang-lon-chua-duoc-khai-thac-tot-20180928092919494.htm