Trung Đông sẽ là mặt trận tiếp theo của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung?

Vốn được coi là 'sân chơi của Mỹ', khu vực Trung Đông đang trải qua một sự chuyển biến quan trọng và có thể trở thành mặt trận tiếp theo trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung.

Trung Quốc đang dần gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc đang dần gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc - nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Đông

Với nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, Trung Quốc đã nhận thấy cơ hội ở Trung Đông và bắt đầu thể hiện mong muốn đối với khu vực vốn được cho là xa xôi, phức tạp và nằm trong vùng ảnh hưởng của Mỹ.

Sau Mùa xuân Arab, khi Mỹ giảm sự hiện diện ở Trung Đông, Trung Quốc nhanh chóng tìm cách "lấp đầy" khoảng trống đó.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Đông đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ vừa qua. Gần một nửa lượng dầu và khí tự nhiên mà Bắc Kinh tiêu thụ đến từ khu vực này, và ngược lại, hàng hóa, dịch vụ và công nghệ Trung Quốc đang tìm được chỗ đứng trong khu vực.

Là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Đông, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti vào năm 2017, mở rộng tầm ảnh hưởng tới eo biển Hormuz.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tham gia các dự án cơ sở hạ tầng với một số đồng minh của Mỹ, trong đó có Israel. Những khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng Haifa và Ashdod, đã làm dấy lên quan ngại từ cường quốc số 1 thế giới.

Với nhu cầu đa dạng hóa tiếp cận công nghệ do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc coi Israel như một đối tác chủ chốt.

Và sự lo ngại về nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khai thác công nghệ của Jerusalem là một trong số ít vấn đề nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.

Sức hấp dẫn của Trung Quốc

Bên cạnh việc can dự khu vực, Bắc Kinh cũng tìm cách cân bằng quan hệ với các nước đối địch như Iran, Saudi Arabia, Ai Cập và Israel. Học thuyết không can thiệp của Trung Quốc được các nhà lãnh đạo trong khu vực yêu thích.

Những quốc gia bị cô lập như Iran hoan nghênh sự can dự này với hy vọng tăng cường hợp tác. Trung Quốc coi Iran là “đất diễn” hữu ích trong khu vực vốn chịu ảnh hưởng của Mỹ. Tuy vậy, Bắc Kinh hiểu rằng, Tehran cần họ, hơn là họ cần Tehran.

Trung Quốc đã tận dụng đại dịch Covid-19 để củng cố ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược trong khu vực với “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao vaccine”. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và truyền thông Trung Đông cũng dành lời ca ngợi cách Trung Quốc đối phó với đại dịch.

Tháng 9/2020, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiêm chủng một loại vaccine khác của Trung Quốc kể từ giữa tháng 1, còn các nhà lãnh đạo Ai Cập và Saudi Arabia đã ca ngợi Trung Quốc như là hình mẫu trong việc đối phó với virus SARS-CoV-2.

Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các thỏa thuận Abraham giữa Israel và nhiều nước Trung Đông phù hợp với cách tiếp cận "nước đôi" của quốc gia này.

Dựa trên lập trường truyền thống của mình, Trung Quốc bày tỏ hy vọng các thỏa thuận là bước đi hướng tới việc giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Tuy vậy, những thỏa thuận này làm thay đổi hiện trạng theo hướng mà Bắc Kinh không mong muốn và vẫn đang đánh giá một cách cẩn trọng.

Việc Israel bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab có thể mang lại sự ổn định, cũng như đem đến thêm nhiều cơ hội. Theo Trung Quốc, điều này phục vụ cho những tham vọng trong nước của cựu Tổng thống Donald Trump hơn là cho khu vực.

Tổng thống Joe Biden có thể tìm cách đảo ngược nhận thức rằng, ảnh hưởng của Mỹ đang trên đà đi xuống, thông qua việc đưa ra tín hiệu trở lại giải pháp hai nhà nước hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chờ đợi những chính sách này cũng có thể có lợi cho Bắc Kinh về lâu dài. Việc Mỹ quay lại với thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp Iran thoát khỏi tình thế bị cô lập và giúp Trung Quốc có được vị thế nhà trung gian hàng đầu trong nhóm P5+1.

Trung Quốc đang dần chiếm vai trò nền tảng trong lĩnh vực công nghệ nhờ vào các hợp đồng 5G, máy bay không người lái, công nghệ giám sát - những vấn đề cốt lõi của cạnh tranh nước lớn.

Tuy vậy, Trung Quốc không thể - và có vẻ như cũng không muốn - thách thức địa vị thống trị của Mỹ trong khu vực, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trung Quốc hiểu rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ đem lại nhiều lợi ích.

Thời gian tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tập trung hơn vào các khu vực mà họ được chào đón, tuy vẫn có chính sách thực dụng, chẳng hạn như lo ngại những cạm bẫy và sự mất ổn định của Trung Đông.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Biden đánh giá, riêng chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, Trung Quốc được cho là cần theo dõi cẩn trọng những bước đi này cũng như các cơ hội và thách thức phía trước.

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-dong-se-la-mat-tran-tiep-theo-cua-canh-tranh-chien-luoc-my-trung-136028.html