Trung Đông sẽ đón Tổng thống mới của Mỹ thế nào?

Đối lập với mong chờ của Iran với thỏa thuận hạt nhân thì Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia sẽ có phần tiếc nuối những ưu đãi mà ông Trump để lại.

Chỉ 10 ngày nữa là ông Joe Biden sẽ chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, kết thúc các chính sách đối ngoại chênh lệch của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ 4 năm của mình. Vấn đề Trung Đông được cho sẽ là một câu hỏi lớn cho ông Joe Biden trong thời gian tới để cân bằng lại tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Chính sách trái ngược của ông Trump và Biden tại Trung Đông có thể sẽ khiến khu vực này trở lại thời kỳ biến động mới.

Chính sách trái ngược của ông Trump và Biden tại Trung Đông có thể sẽ khiến khu vực này trở lại thời kỳ biến động mới.

Theo các chuyên gia, có nhiều thái cực cảm xúc đón chờ ông Biden tại Trung Đông.

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tối đa 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump. Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel, điều này đã gây ra sự phẫn nộ lớn đối với toàn thế giới Hồi giáo.

Với sự “hào phóng” cho nhà nước Do Thái Cao nguyên Golan và công nhận chủ quyền của Tel Aviv đối với Bờ Tây sông Jordan, Mỹ như tuyên bố: “Nhà nước Do Thái chưa bao giờ có một người bạn như Tổng thống Donald Trump”.

Dưới thời ông Trump, người Israel đã ném bom và tấn công mạnh mẽ nước láng giềng Syria, đốt cháy cơ sở hạ tầng quân sự của Iran. Năm ngoái, Mỹ đã ám sát vị tướng nổi tiếng của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani và một nhà vật lý hạt nhân khác của Iran, người được cho là đã chế tạo bom hạt nhân cho Tehran.

Có một cơ hội rất thực tế là trong những ngày cuối cùng cầm quyền, Tổng thống Trump có thể bắt đầu một cuộc chiến ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Cái gọi là “Kế hoạch hòa bình” của ông Trump đề xuất huy động nguồn lực đầu tư quốc tế lên tới 50 tỷ USD để thành lập nhà nước Palestine ở một phần của Bờ Tây nhưng đồng thời cũng không yêu cầu Israel xóa sổ bất kỳ khu định cư nào ở đó. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, vì nó chẳng khác nào sự hợp thức hóa các vùng đất mà Israel chiếm đóng của người Palestine.

Bên cạnh hỗ trợ của ông Trump với Israel trong cuộc tranh giành vùng đất Thánh với Palestine, Saudi Arabia cũng được hưởng lợi.

Saudi Arabia đã có cơ hội ký kết hiệp ước hòa bình với Israel. Các điều khoản của thỏa thuận đó đã được thảo luận và thống nhất từ trước giữa Jared Kushner, con rể và cũng là đặc phái viên của ông Trump với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Thái tử Mohammed bin Salman có quan điểm rất khác những lãnh đạo khác của Saudi Arabia về cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel.

Quan điểm của Kushner và ông Mohammed bin Salman tập trung vào Iran, cho rằng chính Iran là trung tâm gây bất ổn khu vực chứ không phải xung đột Israel-Palestine. Và họ nhất trí rằng Israel có thể “giúp đỡ” chứ không cản trở việc đạt tiến bộ trong đàm phán. Thái tử Saudi cho rằng, đường ranh giới năm 1967 là điểm khởi đầu cho hòa bình. Ông ủng hộ quan điểm của Kushner quy kết cho các nhà lãnh đạo Palestine đã làm cho các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Giữa Saudi Arabia và Israel đã không còn cần đến các kênh liên lạc bí mật, các quan chức Saudi Arabia đã thường xuyên lui tới Tel Aviv và ngược lại.

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara luôn là đồng minh trung thành của Washington trong khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sở hữu lực lượng lục quân và hải quân hùng hậu. Nhưng dưới thời ông Trump, trật tự thế giới “theo chủ nghĩa toàn cầu” bắt đầu bị phá bỏ, Tổng thống Erdogan đầy tham vọng đã nhanh chóng nhận ra và bắt đầu tích cực thúc đẩy dự án của riêng mình.

Ankara đã mở rộng một phần lãnh thổ phía bắc Syria, củng cố ở Libya, vẽ lại bản đồ Đông Địa Trung Hải có lợi cho mình. Bước hợp lý tiếp theo là việc thành lập một hiệp hội siêu quốc gia gồm các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với Ankara đứng đầu, cũng như một liên minh quân sự phòng thủ.

Nói cách khác, Ankara tuyên bố sẽ trở thành trung tâm của một dự án hội nhập khu vực vĩ mô sẽ phát triển và hoạt động mà không cần quan tâm đến Mỹ.

Quốc gia mong chờ sự ra đi của ông Trump dường như có mặt Iran và Palestine.

Với chính sách ngoại giao đổ lỗi, chính quyền ông Donald Trump đã gạt bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký kết năm 2015 và áp đặt ngược lại các biện pháp trừng phạt với nước này.

Đón chờ ông Biden với tâm trạng mâu thuẫn

Theo các nhà quan sát, Iran được cho là sẽ là quốc gia nồng nhiệt chào đón Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 25-11 đã tỏ thái độ lạc quan với tương lai ông Biden làm Tổng thống Mỹ. Ông Rouhani cho biết có thể giải quyết các vấn đề của Iran với Mỹ miễn là ông Biden vẫn tuân thủ các cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Vị lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei trong khi đó lại bình luận về những khó khăn để bình thường hóa quan hệ và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông Rouhani cho biết việc giải quyết vấn đề “dễ dàng” với điều kiện Chính phủ Mỹ tôn trọng lẫn nhau, tránh xa cách tiếp cận của ông Trump và bồi thường cho các thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra cho Iran.

Sự trái ngược trong quan điểm và phát ngôn giữa Tổng thống Rouhani và lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho thấy người Iran vừa hăm hở nhưng cũng vừa thận trọng khi tiếp cận với chính quyền mới của ông Biden.

Tổng thống Rouhani cho rằng nếu chính quyền mới ở Mỹ quyết tâm giảm căng thẳng và tôn trọng các chủ trương của Iran và quốc tế thì “việc giải quyết vấn đề rất dễ dàng và Iran và Mỹ có thể quyết định quay trở lại các điều kiện như trước khi ông Trump lên làm tổng thống.

Cùng với đó, người Palestine có vẻ vui mừng chào đón ông Biden giữa lúc sự nghiệp đấu tranh của họ có nguy cơ thất bại do chính sách chèn ép của chính quyền ông Trump và Israel. Hy vọng đã được thắp lên về việc khởi động lại các cuộc đàm phán một khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Họ mong rằng Thái tử Mohammed bin Salman không đặt bút ký hiệp ước hòa bình với Israel trước ngày 20/1/2021, ngày ông Biden nhậm chức tổng thống.

Trong khi đó, chuyên gia trang Topcor của Nga cho rằng, Dưới thời đảng Dân chủ, Tel Aviv và Ankara sẽ phải tiết chế sự “cuồng nhiệt” mà họ đã có dưới thời ông Trump.

Các chuyên gia cho rằng, đảng Dân chủ luôn đứng sau ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran đã bị đảng Cộng hòa “vô hiệu hóa” và việc khôi phục nó có thể trở thành vấn đề quan trọng đối với chính sách của ông Biden. Nếu đúng như vậy, thì sẽ không còn bất kỳ cuộc nói chuyện nào về cuộc chiến của một liên minh rộng lớn do Washington dẫn đầu chống lại Tehran và do đó Israel sẽ phải tiết chế phần nào sức mạnh.

Ngoài ra, những quy tắc dưới thời ông Trump không còn phù hợp dưới chính quyền ông Biden. Giờ đây, nhiệm vụ của Washington sẽ là đưa các “đồng minh tự phụ” như Thổ Nhĩ Kỳ với chính sách bành trướng ở Trung Đông trở lại quỹ đạo bình thường.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-dong-se-don-tong-thong-moi-cua-my-the-nao-3425774/