Trung Đông cũng đua vào không gian

Mặc dù con người chưa bước chân lên sao Hỏa, nhưng con đường chinh phục Hành tinh Đỏ chưa bao giờ tấp nập hơn.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Mùa hè này, ba quốc gia UAE, Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh vào các chương trình chinh phục sao Hỏa, tận dụng lợi thế của cơ hội diễn ra cứ hai năm một lần, khi Trái đất và sao Hỏa ở gần nhau nhất.

Với mục tiêu nhằm mục đích ghi lại bức tranh toàn diện nhất về bầu khí quyển của Hành tinh Đỏ, tàu Al Amal thuộc Sứ mệnh sao Hỏa Emirates của UAE (Emirates Mars Mission) sẽ là con tàu đầu tiên cất cánh trong số các tàu vũ trụ của ba quốc gia đang có tham vọng chinh phục sao Hỏa. Thoạt đầu, UAE có kế hoạch phóng tàu này ngày 15/ 7, tuy nhiên sự kiện này bị trì hoãn do điều kiện thời tiết, và con tàu sẽ được khởi động từ Nhật Bản vào cuối tuần này. Với sự cất cánh của mình, tàu sẽ ghi dấu vào lịch sử như sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của thế giới Ả Rập.

"Đây là thời kỳ hoàng kim của không gian ở UAE" - Fatma Hussain Lootah, người quản lý bộ phận khoa học công cụ của nhóm giải thích - "Đây là thời gian chúng tôi quyết định sẽ trở thành người tiên phong trong một lĩnh vực mà có thể không ai mong muốn chúng tôi phát triển, bởi vì nó dựa trên tri thức và khoa học".

Tham vọng không gian của UAE là một phần thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế ở một quốc gia mà dầu mỏ thống trị nền kinh tế này. Năm ngoái, ngành khai thác dầu mỏ chiếm 30% GDP của UAE, nhưng chính phủ nước này tin rằng, các sáng kiến như Sứ mệnh sao Hỏa của Emirates sẽ khuyến khích sinh viên khám phá các môn học mới.

"Chính phủ UAE muốn truyền cảm hứng cho thanh niên Tiểu Vương quốc đi theo hướng STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và muốn sử dụng sứ mệnh này như một chất xúc tác để tạo nên các thay đổi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực học thuật, công nghiệp và kinh tế", ông Omran Sharaf, quản lý dự án Sứ mệnh sao Hỏa, cho biết.

Để nhấn mạnh mục tiêu nêu trên, con tàu vũ trụ tự hành này được đặt tên là "Al Amal", có nghĩa là "Hy vọng". Nhóm nghiên cứu tin rằng cái tên này sẽ tạo ra tiếng vang ngoài UAE. "Con tàu được đặt tên là Hy vọng vì nó là một biểu tượng của hy vọng, không chỉ đối với giới trẻ của Tiểu Vương quốc mà đối với giới trẻ của toàn khu vực", ông Lootah nói.

Khi con tàu cất cánh từ Tanegashima (Nhật Bản), sự kiện sẽ là một kỳ công ấn tượng cho đất nước vùng Vịnh này. Theo ông Sharaf, hầu hết các nhiệm vụ trên sao Hỏa đều mất từ 10 - 12 năm để phát triển, nhưng các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Mohammed Bin Rashid ở Dubai chỉ có sáu năm để thực hiện dự án.

Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu Al Amal sẽ dành cả năm tại sao Hỏa (tương đương 687 ngày so với 1 năm tại Trái đất) trên quỹ đạo để phân tích mức độ hydro và oxy. Dữ liệu này sẽ cung cấp thông tin chưa từng có về bầu khí quyển của sao Hỏa, có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn lý do vì sao không có sự sống trên hành tinh này.

Nhưng ngay cả khi vẫn còn 7 tháng nữa con tàu mới tới sao Hỏa, ông Sharaf cho rằng dự án đã đạt được thành công ở UAE: "Kể từ khi nhiệm vụ được công bố, chúng tôi đã thấy tác động của nó tới các lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi đã thấy các trường đại học bắt đầu các chương trình khoa học mà trước đây họ không có... Chúng tôi đã thấy các sinh viên đại học chuyển đổi chuyên ngành từ tài chính và quan hệ quốc tế sang khoa học. Vì vậy, khi nói đến tầm nhìn, chúng tôi đã thấy tác động của nó tới sự phát triển của đất nước".

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trung-dong-cung-dua-vao-khong-gian-1595999848605.html