Trung Đông càng hỗn loạn, Trung Quốc càng kiếm lời buôn súng

Vũ khí Trung Quốc xuất vào Trung Đông tăng mạnh, biến quốc gia này là một trong những nhà cung cấp vũ khí chủ đạo cho khu vực bất ổn này.

Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) hôm 20/2 cho biết đã thành lập văn phòng đại diện ở Dubai. Động thái này với mục đích mở rộng các hoạt động kinh doanh của CSIC trên khắp khu vực vùng Vịnh.

Theo CSIC, đây là văn phòng nước ngoài đầu tiên của họ. Việc chọn Trung Đông là nơi tập trung phát triển thương mại cho thấy đây là thị trường quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển cả "quân sự và dân sự" của Bắc Kinh.

Song song với việc thành lập văn phòng đại diện, tại Triển lãm và Hội nghị Quốc phòng thế giới (IDEX) ở thủ đô Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trung Quốc cũng mang đến tàu khu trục Type 052D, hay được giới quân sự ví von là "Aegis Trung Quốc".

Đây là mẫu tàu tiên tiến chẳng kém lớp khu trục Burke Arleigh của Mỹ, bất chấp việc luôn vướng phải các cáo buộc từ Mỹ về việc Bắc Kinh đánh cắp hàng loạt công nghệ so với nguyên bản của Mỹ.

Trung Quốc muốn chào bán Type 052D bản xuất khẩu cho các nước vùng Vịnh giàu có

Trung Quốc muốn chào bán Type 052D bản xuất khẩu cho các nước vùng Vịnh giàu có

Tàu Type 052D có thiết kế tàng hình, lượng giãn nước 7.500 tấn, trang bị 64 ống phóng thẳng đứng và có tầm di chuyển 8.300km. Các ống phóng thẳng đứng cho phép tàu có thể ngay lập tức phóng tên lửa chống hạm, phòng không hay tấn công đất liền mà không cần phải lo lắng đến các vấn đề kỹ thuật như ống phóng thông thường.

Ngoài ra, Trung Quốc còn mang đến xe tăng hạng nặng thế hệ mới VT4 do Tập đoàn Quốc phòng Norinco (Trung Quốc) phát triển và tàu khu trục MRTV 3000 và tên lửa hành trình tầm trung C-602.

Thông tin từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Đông đang là thị trường vũ khí hàng đầu thế giới. Khu vực này nhập 32% lượng vũ khí sản xuất trên toàn thế giới trong giai đoạn 2013-2017.

So với giai đoạn 2008-2012, giai đoạn 2013-2017 này tỉ lệ nhập khẩu vũ khí trong khu vực đã tăng 103%. Giai đoạn này cũng đánh dấu việc Trung Đông xảy ra hàng loạt những diễn biến nóng về địa chính trị với hàng loạt cuộc chiến, bao gồm nội chiến Syria, chiến tranh chống khủng bố IS ở Syria, Iraq, căng thẳng Hezbollah - Israel, căng thẳng Iran cũng như cuộc chiến tranh của thế giới Ả Rập với phiến quân Houthi ở Yemen.

Cũng trong giai đoạn này, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đến Trung Đông đã tăng 38%. Vũ khí của Trung Quốc lần đầu tiên đã thể hiện vai trò quan trọng trong thực chiến tại cuộc nội chiến Syria.

Các hệ thống radar có nguồn gốc từ Trung Quốc trong biên chế quân đội Syria đã làm việc khá hiệu quả khi đối đầu với các chiến đấu cơ của Israel, thậm chí còn có thông tin radar Trung Quốc bắt được chiến đấu cơ tàng hình F-35. Ngoài ra, các loại pháo tự hành, pháo phóng loạt, xe tăng, xe thiết giáp đã địa hình của Trung Quốc cũng xuất hiện ngày càng phổ biến trên nhiều chiến trường.

Việc vũ khí trực tiếp tham chiến trong một cuộc chiến tranh là phương pháp quảng cáo hiệu quả nhất, đây vốn là cách làm mà Mỹ thường xuyên sử dụng. Vũ khí của Trung Quốc còn sở hữu nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, không bị ràng buộc bởi các yêu cầu chính trị hay quan hệ quốc tế, nhiều loại trang bị không hề thua kém các sản phẩm của Mỹ hay châu Âu.

Trung Đông càng bất ổn, nhu cầu đa dạng hóa và tăng cường vũ khí của các quốc gia tại khu vực này càng tăng, đó là lý do mà SIPRI đưa ra cho việc Trung Quốc nhanh chóng nổi lên thành một trong những đối tác cung cấp vũ khí chủ lực như Nga, Mỹ.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-dong-cang-hon-loan-trung-quoc-cang-kiem-loi-buon-sung-3375212/