Trưng bày tư liệu quý về những năm cuối chiến tranh ở Sài Gòn

Triển lãm 'Tìm lại ký ức' đang được trưng bày tại bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3) có nhiều hình ảnh, tư liệu quý về giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam.

Ngày 21/3, triển lãm chuyên đề "Tìm lại ký ức" đã được khai mạc tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3). Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 44 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), 46 năm Ngày trao trả tù binh phi công Mỹ cuối cùng ở Hà Nội (29/3/1973-29/3/2019).

Ngày 21/3, triển lãm chuyên đề "Tìm lại ký ức" đã được khai mạc tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3). Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 44 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), 46 năm Ngày trao trả tù binh phi công Mỹ cuối cùng ở Hà Nội (29/3/1973-29/3/2019).

Triển lãm được phối hợp tổ chức giữa Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong năm 2017, trưng bày "Tìm lại ký ức" tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò được bình chọn là trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.

Theo đó, triển lãm giới thiệu đến khách tham quan 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với bốn nội dung: "Đối mặt với B-52”, “Khách sạn Hilton-Hà Nội”, “Ngày trở về”, “Xây đắp tương lai”. Toàn bộ các hình ảnh, tư liệu đều được vận chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn.

"Tìm lại ký ức" tái hiện cuộc sống của quân và dân Hà Nội, Hải Phòng trong những ngày cuối năm 1972, với những hình ảnh đất rung, ngói tan, gạch nát, những cuộc chia ly, mất đi người thân bởi bom đạn, sự ám ảnh về thời khắc máy bay B-52 ném bom rải thảm,...

Trong đó, phần trưng bày “Khách sạn Hilton-Hà Nội” đem đến cho những ai chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến chứa đựng đầy bất ngờ và giàu tính nhân văn, đặc biệt là những câu chuyện của những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò.

Trại giam Hỏa Lò - "Hilton-Hà Nội" là nơi từng giam giữ những phi công Mỹ bị bắt như trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr. - phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc Việt Nam, trung tá Hải quân Walter Eugeen Wilber, hạ sĩ Robert P. Chenoweth,...

Triển lãm còn trưng bày nhiều tư liệu quý như những bức thư tay của phi công Mỹ trong thời gian bị giam giữ tại "Hilton-Hà Nội".

Ngoài ra, triển lãm còn kể về trận “Điện Biên Phủ trên không", khi quân đội Mỹ chịu thất bại thảm hại, buộc phải tuyên bố ngừng ném bom, chấp nhận nối lại đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ông Frank (du khách đến từ Canada) cho hay triển lãm cung cấp thông tin rất thú vị nhưng đau buồn về chiến tranh Việt Nam. Thông qua sách báo, ông đã từng được biết đến cuộc chiến thảm khốc này trong quá khứ và việc được tham quan địa danh thực địa như di tích Địa đạo Củ Chi, cùng với triển lãm "Tìm lại ký ức" cung cấp cho ông một cái nhìn rõ ràng, toàn diện về cuộc chiến.

Trong khi đó, Mille Jensen (19 tuổi, du khách đến từ Na Uy) lần đầu biết về cuộc chiến này và thông qua những hình ảnh tại triển lãm, cô cảm thấy rất đau xót, kinh sợ về sự khốc liệt của chiến tranh.

Trưng bày là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào về một kỳ tích của thế kỷ XX, là dịp để những phi công Mỹ nhớ lại về một khoảng lặng trong cuộc đời và nhắc nhớ về sự khốc liệt của chiến tranh với mục đích mong muốn cho một thế giới hòa bình.

Triển lãm được mở cửa tham quan tự do trong thời gian ít nhất 3 tháng, tại tầng trệt của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Liêu Lãm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-bay-tu-lieu-quy-ve-nhung-nam-cuoi-chien-tranh-o-sai-gon-post928200.html