Trưng bày, tọa đàm 'Nhà báo Trương Vĩnh Ký'

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trưng bày và tọa đàm 'Nhà báo Trương Vĩnh Ký'. Với sự chủ trì của GS.TS Đỗ Quang Hưng, tại buổi tọa đàm, các đại biểu, khách mời là các nhà nghiên cứu, nhà báo lâu năm đã cung cấp thêm nhiều tư liệu, kiến thức, điểm tựa khoa học về nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Ông Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa lẫn trong lĩnh vực xã hội, khoa học. Ông thông thạo 27 ngoại ngữ, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse. Sự nghiệp của ông được nhận định là phi thường và hiếm có, nhất là trong giai đoạn giao thời giữa văn hóa Đông Tây ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Hình ảnh tư liệu được trưng bày ngày 11/9

Hình ảnh tư liệu được trưng bày ngày 11/9

Petrus Ký luôn tìm cách cổ võ cho sự sử dụng chữ Quốc ngữ và là người Việt đầu tiên đã triệt để khai thác chữ quốc ngữ bằng sách báo, viết hay dịch sách từ chữ Hán ra quốc âm. Ông đã dịch sách chữ Hán, phiên âm ra chữ Quốc ngữ những bản cổ văn Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Lục súc tranh công, Gia huấn ca,… và biên soạn Chuyện khôi hài, Chuyện đời xưa,… Ông để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật trong đó có cả chục tác phẩm bằng Pháp văn.

Bản "Gia Định Báo" được chọn trưng bày

Tờ “Gia Định Báo” tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4-1865 đến 1-1-1910 đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà bác học Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, về lao động báo chí, về sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước.

Theo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc được giới thiệu, trưng bày song song với tọa đàm sẽ giúp người xem thấy rõ hơn về nhà báo đầu tiên của Việt Nam - nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Tọa đàm "Nhà báo Trương Vĩnh Ký"

Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ có những nghiên cứu có chiều sâu hơn, và những trưng bày lớn hơn về ông. Đây cũng là một hoạt động quan trọng mở đầu và sẽ được tiếp tục đầu tư, theo đuổi lâu dài, khi mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được giao nhiệm vụ ngay từ khi thành lập. Đó là nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ, tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.

N.Hoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/trung-bay-toa-dam-nha-bao-truong-vinh-ky-611261/