Trưng bày mẫu vật rùa Hồ Gươm

Mẫu vật rùa Hồ Gươm được đặt trưng bày cạnh mẫu vật rùa thứ nhất tại di tích Đền Ngọc Sơn để người dân và khách tham quan cá thể rùa Hồ Gươm cuối cùng.

Chiêm ngưỡng mẫu vật cụ rùa Hồ Gươm

Chiêm ngưỡng mẫu vật cụ rùa Hồ Gươm

Mẫu vật rùa lần này có kích thước lớn hơn, dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay.

Việc chế tác mẫu mất tới 2 năm, với 4 lần các chuyên gia Đức sang Việt Nam thực hiện từng khâu trong quá trình chế tác. Vật liệu chế tạo cũng được nhập khẩu từ nước ngoài.

Quá trình chế tác được tiến hành theo phương pháp hiện đại nhất thế giới. Tiêu bản được bảo quản bằng phương pháp nhựa hóa bởi chuyên gia Đức và nhà khoa học Việt Nam.

Rùa Hồ Gươm chết ngày 19/1/2016, ngay sau đó các nhà khoa học Việt Nam và chuyên gia Đức hỗ trợ cùng nghiên cứu và lựa chọn vật liệu. Sau hơn 3 tháng bảo quản lạnh ở nhiệt độ -20 độ, quá trình chế tác bắt đầu bằng việc xử lý, lưu giữ ADN và mô sống trong điều kiện tiêu chuẩn.

Các chuyên gia đã phân tích ADN và chế tác bằng công nghệ nhựa hóa, giúp bảo quản nguyên trạng mẫu vật (cả phần xương, sụn), từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai của rùa, bảo đảm mẫu vật sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi, có độ bền cao.

Theo PGS Nguyễn Trung Minh - Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Tủ trưng bày được thiết kế theo đặt hàng phù hợp với kích thước của mẫu rùa Hồ Gươm, sử dụng loại kính chịu lực 2 lớp, siêu trong, chống phản xạ ánh đèn flash khi khách tham quan chụp ảnh...

Tủ làm bằng gỗ hương đỏ, có chạm khắc tinh xảo bao quanh lớp tủ kính bên trong đảm bảo tính thẩm mỹ, giá trị văn hóa, tâm linh phù hợp với không gian của khu vực trưng bày trong đền Ngọc Sơn.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/trung-bay-mau-vat-rua-ho-guom-3988739-b.html