Trưng bày gốm Champa Bình Định

80 hiện vật gốm Champa được tìm thấy trong những năm gần đây tại các di tích, di chỉ văn hóa Champa trên đất Bình Ðịnh đã đến với công chúng Bảo tàng Ðiêu khắc Chăm Ðà Nẵng, trong khuôn khổ chuyên đề trưng bày 'Gốm Champa Bình Ðịnh', diễn ra từ ngày 23.11 - 30.12.2018. Hoạt động do Bảo tàng Ðiêu khắc Chăm Ðà Nẵng phối hợp Bảo tàng Tổng hợp Bình Ðịnh tổ chức.

Trưng bày chuyên đề “Gốm Champa Bình Định” tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: H.T.T

Bình Định là vùng đất cổ gắn liền với lịch sử của vương quốc Champa dưới thời Vijaya. Gần 5 thế kỷ (năm 1000 - 1471) đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Champa. Điều đó giải thích vì sao hệ thống di sản văn hóa Champa ở Bình Định rất phong phú, đa dạng, gồm: thành lũy, đền tháp, điêu khắc, cảng thị và các khu sản xuất gốm. Riêng về gốm, từ đôi bàn tay tài hoa những nghệ nhân Champa, những tuyệt phẩm gốm đã ra đời.

Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 6 khu lò sản xuất gốm Champa ở Bình Định. Chúng phân bố dọc bờ sông Côn, có lịch sử phát triển từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV, giai đoạn thịnh trị của vương triều Vijaya, gồm: Gò Sành (Nhơn Hòa), Trường Cửu (Nhơn Lộc), Gò Cây Me (Nhơn Mỹ) - cùng ở TX An Nhơn và Gò Hời, Gò Ké, Gò Giang - cùng ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Sau nhiều đợt sưu tầm, khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã đưa về Bảo tàng Tổng hợp Bình Định nhiều hiện vật, hình thành nhiều bộ sưu tập, trong đó bộ sưu tập gốm Champa là loại hình độc đáo, có những tiêu bản đặc trưng riêng biệt, lần đầu tiên phát hiện tại Bình Định.

* * *

Trong thời kỳ Vijaya, người Champa đã xây dựng 3 tòa thành kiên cố mà đến nay vẫn còn dấu vết, đó là thành Cha (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), thành Thị Nại (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và thành Đồ Bàn (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), trong đó thành Cha có niên đại sớm nhất. Trong bộ sưu tập gốm Champa của Bảo tàng tổng hợp Bình Định, có niên đại sớm nhất là những hiện vật được phát hiện tại cuộc khai quật di tích thành Cha.

Trải qua các đợt khai quật khảo cổ học, tại trung tâm thành Cha đã phát hiện được nền móng các công trình kiến trúc và các hiện vật như: đầu ngói ống, ngói âm dương, trong đó bộ sưu tập về đầu ngói ống trang trí mặt hề và trang trí mặt sư tử dùng để trang trí diềm mái công trình kiến trúc và đầu ngói ống trang trí hoa văn cánh sen, một loại hình trang trí kiến trúc ảnh hưởng phong cách Khơme, thế kỷ XII - XIII.

Khuôn in hoa văn hình rồng phát hiện từ cuộc khai quật khảo cổ học tại di chỉ lò gốm Gò Cây Me (2017). Ảnh: HOÀI THU

Gốm trang trí kiến trúc là một trong những đặc trưng của các đền tháp Champa mang phong cách Bình Định (thế kỷ XII - XIII). Đến giai đoạn này, các đền tháp Champa Bình Định đi vào mảng khối, những họa tiết trang trí khắc trực tiếp trên gạch không còn, thay vào đó là sử dụng gốm trang trí kiến trúc để gắn vào các bộ phận của đền tháp. Gốm trang trí kiến trúc thường được trang trí ở các vòm cửa, ô khám, mặt tường trên diềm các tầng mái, hoặc quanh chân đế đền tháp. Đó là các phù điêu mặt kala, voi, sư tử phát hiện tại phế tích Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn). Đây có thể được xem là bộ sưu tập loại hình trang trí gốm đất nung độc đáo, họa tiết rất đặc trưng riêng biệt, đến nay chỉ phát hiện tại Bình Định.

* * *

Một loại hình gốm không thể không nhắc đến là gốm gia dụng tráng men. Dòng gốm này nay đã thất truyền. Gốm tráng men Champa ở Bình Định được biết đến lần đầu vào năm 1974, khi nhà sưu tập Hà Thúc Cần công bố bộ sưu tập có tên Gốm Gò Sành. Đến năm 1988, nhà nghiên cứu gốm cổ người Mỹ Roxana Brown đã dành hẳn một chương trong luận văn tiến sĩ của mình viết về gốm Gò Sành. Dù vậy, đến lúc ấy, khi đoán định chủ nhân của dòng gốm này, nhiều người vẫn cho rằng chúng là do Trung Quốc sản xuất.

Từ năm 1990 đến năm 2018, Bảo tàng Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, các nhà khoa học Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành (nay là Viện Nghiên cứu Kinh Thành) đã tiến hành 8 đợt khai quật tại Gò Sành, Gò Hời, Trường Cửu và Gò Cây Me. Những cuộc khai quật này đã góp phần khẳng định người Champa là chủ nhân của Gốm Gò Sành.

Trưng bày “Gốm Champa Bình Định” ở Đà Nẵng còn giới thiệu một số hiện vật nói về kỹ thuật làm gốm của người Champa ở Bình Định, gồm: Các bao nung dùng đặt sản phẩm vào để nung hoặc dùng để xây tường lò, chồng bát nung dính, khuôn in gốm, kỹ thuật tạo hoa văn… Bên cạnh đó chuyên đề này còn giới thiệu một số sản phẩm của 6 dòng gốm: gốm men trắng, men ngọc, men nâu, men hoa nâu, vẽ nâu sắt dưới men và đồ sành…

* * *

Gốm Champa Bình Định là một chuyên đề thú vị, hấp dẫn không chỉ với các nhà nghiên cứu mà còn với những ai hâm mộ vẻ đẹp của gốm, nét kỳ bí của văn hóa Champa. Có thể xem Trưng bày “Gốm Champa Bình Định” tại Đà Nẵng như một đường dẫn (link) đưa nhiều người về với Bình Định, để nghiên cứu, tìm hiểu, hoặc đơn giản hơn chỉ để say sưa ngắm những hiện vật tuyệt đẹp mà cuộc trưng bày này chưa thể chuyển tải hết.

Hồ Thùy Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/trung-bay-gom-champa-binh-dinh-65289