Trung, Ấn trước nguy cơ xung đột vì nước

Tờ Asia Times mới đây lo ngại, kế hoạch xây dựng siêu đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Yarlung Zangbao ở Tây Tạng, hay còn gọi là sông Brahmaputra ở Ấn Độ, có nguy cơ châm ngòi cuộc xung đột với vùng hạ lưu, bởi nó có thể gây ra lũ quét hoặc tạo ra tình trạng khan hiếm nước.

Sông Yarlung Zangbao, nơi Trung Quốc có kế hoạch xây dựng đập thủy điện quy mô lớn. Ảnh: Tibet Travel

Một số nguồn tin địa phương cho biết, đập thủy điện nói trên có thể tạo ra 60 gigawatt điện, gần gấp 3 lần lượng điện do đập Tam Hiệp, đập lớn nhất thế giới, trên sông Dương Tử tạo ra. Kế hoạch xây dựng đập thủy điện này đang được Trung Quốc xúc tiến mà không thảo luận hoặc ký kết bất kỳ thỏa thuận chia sẻ nguồn nước nào với Ấn Ðộ hoặc Bangladesh ở hạ nguồn - động thái từng gây tranh cãi và phẫn nộ ở khu vực Ðông Nam Á.

Bài học từ sông Mekong

Ðến nay, Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện quy mô lớn trên sông Mekong, khiến mực nước trên sông thay đổi thất thường nhưng lại không thông báo cho Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trung Quốc hồi cuối tháng 12 năm ngoái đã giảm lượng nước xả từ một đập trên sông Mekong để kiểm tra thiết bị gần thị trấn Cảnh Hồng (phía Nam tỉnh Vân Nam) từ 1.904 m3/giây xuống 1.000 m3/giây. Song, phải mất gần một tuần Bắc Kinh mới thông báo cho các nước hạ nguồn về việc hoạt động này, khiến các nước này không đủ thời gian chuẩn bị, dẫn đến tình trạng gián đoạn về vận chuyển và thương mại, trong khi mực nước tại huyện Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) giảm tới 1 mét.

Thật ra, Trung Quốc chỉ đưa ra thông báo sau khi dự án “Giám sát đập Mekong” thuộc Chương trình Ðông Nam Á của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ phát hiện sự bất thường trên bằng hình ảnh vệ tinh và gửi cho Ủy hội sông Mekong, tổ chức hợp tác khu vực không có Trung Quốc tham gia.

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sử dụng chiến lược trên để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia Ðông Nam Á ở hạ nguồn về nhiều vấn đề, gồm cả sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đồng thời có thể áp dụng chiến lược tương tự đối với Ấn Ðộ thông qua kế hoạch xây dựng đập trên sông Yarlung Zangbao.

Vũ khí hóa nguồn nước?

Nếu Trung Quốc và Ấn Ðộ không đạt thỏa thuận chia sẻ nguồn nước, con đập trên nhiều khả năng gây ra xung đột song phương. Sau cuộc đụng độ chết người giữa binh sĩ hai nước tại khu vực biên giới Ladakh hồi tháng 6 năm ngoái khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Ðộ thiệt mạng, ngọn lửa giận dữ đang thổi bùng ở Ấn Ðộ về việc Trung Quốc đơn phương quyết định kế hoạch xây dựng con đập. Một số bài xã luận trên báo Ấn Ðộ cũng như một vài trung tâm nghiên cứu cho rằng con đập sẽ làm xáo trộn dòng chảy sông Yarlung Zangbao, ảnh hưởng xấu đến sinh kế của các cộng đồng ở khu vực hạ nguồn.

Tại Bangladesh, quốc gia duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc, cũng lên tiếng phản đối về việc xây dựng đập Yarlung Zangbao. Các nhà vận động môi trường Bangladesh còn đề xuất tổ chức các cuộc thảo luận đa phương trước khi Trung Quốc xây dựng bất kỳ con đập nào.

Tranh cãi về nguồn nước hiện đang làm gia tăng quan điểm chống Trung Quốc tại Ấn Ðộ, từ đó có thể có tác động đến an ninh khu vực. Dư luận Ấn Ðộ lo ngại dự án với quy mô chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh nguồn nước và an ninh lương thực quốc gia. Giới chuyên gia còn cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh “vũ khí hóa nguồn nước” vì họ kiểm soát được lưu lượng dòng chảy, đủ khả năng tạo ra hạn hán hoặc lũ lụt nhân tạo. Theo một nghiên cứu của Ðại học Hải chiến Mỹ, mối lo ngại về dự án thủy điện khổng lồ có thể là một phần chiến thuật “tâm lý chiến” của Bắc Kinh. “Một khi những con đập được xây dựng, mối đe dọa tạo ra khổ sở cho người dân Ấn Ðộ và Bangladesh - bằng cách giảm dòng nước và nguy cơ thiếu hụt lương thực - sẽ ẩn sau mọi yêu sách từ Bắc Kinh”, bài nghiên cứu của Ðại học Hải chiến Mỹ nhận định, đồng thời cảnh báo đây là “mối đe dọa sống còn” đối với Ấn Ðộ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nơi dòng sông Brahmaputra chảy qua và gọi nơi này là “Nam Tây Tạng”. Mới đây, New Delhi công bố hàng loạt các dự án xây đường mới ở Arunachal Pradesh nhằm tăng cường sự kiểm soát tại khu vực biên giới tranh chấp. Trước đó, Ấn Độ hồi năm 2017 thông báo xây dựng 2 bãi đáp máy bay ở phía Bắc Arunachal Pradesh sau khi Trung Quốc đổi tên một số địa điểm ở đây thành tiếng Hoa.

TRÍ VĂN (Theo Asia Times, VOA News)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trung-an-truoc-nguy-co-xung-dot-vi-nuoc-a129769.html