Trung-Ấn chạy đua chiếm ưu thế trong mùa đông Himalaya

Ấn Độ đầu tư chiếm ưu thế trong tranh chấp biên giới ở Ladakh, còn Trung Quốc cũng không chịu kém cạnh trong mùa đông Himalaya.

Sự “cạnh tranh” giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tiếp tế cho lính biên phòng trước khi bước vào mùa đông là một thành phần của chiến thuật trong cuộc đàm phán song phương về vấn đề biên giới.

Mới đây, Trung Quốc đã thử nghiệm máy bay trực thăng vận tải không người lái chuyên dùng ở các vùng núi cao, còn Ấn Độ đang chuẩn bị cho thông đường hầm chiến lược ở Ladakh và mua thêm máy bay tấn công không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ.

Trung-Ấn bổ sung kho vũ khí, trang bị

Máy bay trực thăng không người lái đầu tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ tham gia tiếp tế cho quân đội ở vùng núi cao trên biên giới Trung-Ấn, bao gồm hỗ trợ hậu cần và trinh sát trong bối cảnh căng thẳng, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (Global Times) của Trung Quốc đưa tin.

Tờ Global Times số ra ngày 28 tháng 9 dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết rằng, trực thăng không người lái AR-500C sẽ bổ sung cho kho vũ khí của quân đội Trung Quốc (PLA), loại máy bay này có trọng tải lớn hơn, bay cao hơn và hoạt động linh hoạt hơn so với các máy bay không người lái hiện đang phục vụ trong PLA.

Về phần mình, Ấn Độ đã đầu tư 3 tỷ USD để mua 30 máy bay không người lái MQ-9 "Reaper" từ General Atomics của Hoa Kỳ, trong đó 6 chiếc dự kiến được bàn giao trong thời gian tới.

Tờ Global Times đưa tin này và lưu ý rằng, theo quân đội Ấn Độ, MQ-9 Reaper có thể “làm thay đổi cuộc chơi” bởi vì loại máy bay này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như nhắm mục tiêu bằng tia laser, hỗ trợ điện tử và tấn công hỏa lực.

UAV AR-500C của Trung Quốc, UCAV MQ-9 Reaper và đường hầm Atal Rohtang của Ấn Độ

UAV AR-500C của Trung Quốc, UCAV MQ-9 Reaper và đường hầm Atal Rohtang của Ấn Độ

Ban đầu, New Delhi dự định mua các máy bay không người lái cho lực lượng hải quân, nhưng đã thay đổi ý định sau những căng thẳng ở khu vực biên giới đã cho thấy, quân đội nước này ở khu vực phía tây trên biên giới Trung-Ấn có nhu cầu lớn hơn về MQ-9.

Hôm 28/9, truyền thông Ấn Độ đưa tin, trong khuôn khổ chiến dịch hỗ trợ hậu cần lớn nhất trong 10 năm qua, quân đội Ấn Độ đã đẩy mạnh gửi vũ khí, nhiên liệu, lương thực và vật tư mùa đông tới khu vực biên giới. Đây là một phần của chương trình chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt phía trước trên dãy Himalaya.

Ấn Độ hy vọng rằng, đường hầm Atal Rohtang mới dài 9 km sẽ giúp kết nối giữa tuyến đường bộ với nhiều khu vực tại Ladakh, đặc biệt là rút ngắn hành trình giữa Leh và Manali, trong trường hợp có tuyết rơi dày.

Dự kiến vào đầu tháng 10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến dự Lễ khai trương đưa vào vận hành đường hầm này.

Vấn đề tranh chấp không dễ giải quyết

Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Nga Sputnik, chuyên gia Alexei Kupriyanov từ Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) nói, cả hai bên đều nhận thức rõ rằng, tình hình trên đường kiểm soát thực tế ở Ladakh không thể được giải quyết trong tương lai gần. Đồng thời, sự “cạnh tranh” giữa hai nước trong việc gửi quân nhu để chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông có thể được xem như một nước cờ chiến thuật trong cuộc đàm phán về vấn đề biên giới.

Theo ông, vào mùa đông có thể xảy ra những sự cố do tình huống bất ngờ, cả người Ấn Độ và người Trung Quốc đều có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tác chiến theo nhóm nhỏ trong điều kiện mùa đông ở vùng núi cao, đặc biệt là tại các đồn biên phòng, nên cả hai bên đều cố gắng bảo vệ mình.

Cửa khẩu biên giới Trung-Ấn ở trên đèo Nathula, vùng Doklam

Do đó, đương nhiên là họ cần phải chuẩn bị quân đội cho mùa đông, và cả hai bên đều gấp rút làm điều đó vào đúng lúc này, không trì hoãn, vì sau đó những ngọn đèo sẽ phủ đầy tuyết.

Còn chuyên gia Long Xingchun, chủ tịch Viện Nghiên cứu thế giới ở Thành Đô (Trung Quốc) nhận định với Sputnik rằng, vào mùa đông tình hình ở khu vực biên giới có thể trở nên yên tĩnh hơn.

Theo vị chuyên gia Trung Quốc, dưới góc nhìn chiến lược, cả Bắc Kinh và New Dehlin không cần hành động quân sự, nhưng quân đội Ấn Độ cố gắng lợi dụng những trường hợp, tìm ra sơ hở cho việc này.

Dù Ấn Độ không gửi thêm binh sĩ đến khu vực biên giới nhưng cũng không giảm số quân. Trước đó, nước này đã bố trí hơn 200 nghìn binh sĩ trên tiền tuyến, do đó, hậu cần là một thách thức nghiêm trọng đối với New Delhi, vấn đề này đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo.

Thời tiết giá lạnh vào mùa đông có thể giúp cho khu vực biên giới trở nên yên tĩnh hơn, buộc cả hai bên phải lùi lại một bước. Đặc biệt, số lượng binh sĩ trên tiền tuyến từ phía Ấn Độ là quá lớn, nên hành động quân sự, nếu được phát động, có thể gây nhiều khó khăn cho Ấn Độ.

Chú ý đến điều đó, ông Long nói rằng, lý do chính khiến Ấn Độ tăng cường tiềm lực vật chất và kỹ thuật là để thể hiện lập trường cứng rắn và không khoan nhượng, cho Trung Quốc thấy rằng, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Do đó, ông nhận định rằng, thực tế cho thấy cả hai bên cần phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết hòa bình tình hình trên biên giới.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-an-chay-dua-chiem-uu-the-trong-mua-dong-himalaya-3419860/