Trump, Clinton: Trần trụi và đầy khiêu khích

Hai ứng cử viên Tổng thống được khắc họa dưới những góc nhìn màu sắc nhưng cũng đầy tranh cãi.

Không có một tác phẩm để đời như tấm poster “HOPE” (Hy vọng) trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008, nhưng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế nóng của Nhà Trắng năm nay, Donald Trump và Hillary Clinton vẫn là những chủ đề chính cho các nghệ sỹ tha hồ “nhào nặn”.

Nhiều thông điệp đầy tính khiêu khích đã được các nghệ sỹ đường phố liên tục tạo ra trong suốt chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

“Chúng tôi gọi đó là một biến thể nhỏ của việc không tuân theo luật dân sự,” Robbie Conal, một nghệ sỹ hay có những tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi cho biết. Tấm chân dung ông Trump với dòng chú thích “Bully Culprit” (Tội phạm bắt nạt) của Conal có thể được thấy ở khắp nơi. Nhắc đến cuộc bầu cử 2016, Conal nói: “Với Trump, tôi không thể không sáng tạo ra một cái gì đó.” Năm nay 71 tuổi, Conal vẫn thường xuyên cùng một đội ngũ người tình nguyện phân phát các poster chống-Trump trên các con phố của Los Angeles.

"Tội phạm bắt nạt" của Robbie Conal

Không chỉ các nghệ sỹ tự do cố gắng khuấy động cuộc bầu cử với những hình ảnh đậm tính châm biến chính trị, các nghệ sỹ theo phe Cộng hòa – mặc dù hiếm hoi hơn, nhưng cũng góp lên tiếng nói của mình. Nghệ sỹ SABO gây chú ý với một tấm poster chống lại những “lực lượng cánh tả”.

“Kể từ khi George W. Bush trở thành Tổng thống, tôi không thể đi đâu mà không bị người khác chỉ trỏ là một người Cộng hòa phân biệt chủng tộc, phản đối đồng tình luyến ái và hợm của… Nhưng tôi không hề như vậy. Tôi để ý rằng chưa có một nghệ sỹ nào đứng lên bênh vực tôi trong vai trò của một người Cộng hòa. Vì vậy, chính tôi sẽ làm điều đó,” SABO chia sẻ.

Một tác phẩm của SABO, đề cập đến các chiến binh Hồi giáo

Đối với nhiều nghệ sỹ khác, những lập trường của ông Trump về nhập cư và an ninh quốc gia đã khiến họ “nóng gáy” và không thể không lên tiếng.

Plastic Jesus đáp trả lại lời hứa của ngài tỷ phú về việc xây một bức tường dọc biên giới Mexico và Hoa Kỳ bằng cách xây một bức tường nhỏ bao quanh ngôi sao đề tên Donald Trump trên Đại lộ danh vọng của Hollywood. Plastic Jesus cũng là tác giả của tấm biển báo “No Trump Anytime” (Không Trump mọi lúc) xuất hiện tại Los Angeles và một số thành phố khác trên toàn nước Mỹ.

Bức tường bao quanh ngôi sao đề tên ông Trump của Plastic Jesus

"Không Trump mọi lúc" - một tác phẩm khác của Plastic Jesus

INDECLINE, một nhóm các nghệ sỹ giấu danh tính cũng cảm thấy những suy nghĩ của mình về cuộc bầu cử cần phải được thể hiện với công chúng. INDECLINE tiến hành những dự án sắp đặt quy mô, được quay và quảng bá trên mạng xã hội. Hè năm ngoái, sau khi ông Trump bình luận rằng Mexico đang gửi “những kẻ hiếp dâm” đến nước Mỹ, các thành viên của nhóm đã đến Tijuana, thành phố biên giới giữa Mỹ và Mexico, và vẽ một bức tranh tường khổng lồ với chân dung ứng cử viên Đảng Cộng hòa và dòng chữ “Rape Trump” (Hãm hiếp ông Trump).

Bức tranh tường "Rape Trump" của INDECLINE

Tại sa mạc Mojave của California, INDECLINE cũng đã tạo ra “tác phẩm nghệ thuật graffiti phi pháp lớn nhất trên thế giới” khi vẽ dòng chữ khổng lồ - có thể nhìn thấy từ trên không là “This Land Was Our Land” (Mảnh đất này từng là mảnh đất của chúng ta) trên một đường băng cũ. Tuy nhiên, tác phẩm đáng chú ý nhất của nhóm lại là những bức tượng… khỏa thân, có kích cỡ bằng người thật của ông Trump – bất ngờ xuất hiện cùng lúc tại Los Angeles, San Francisco, Cleveland, Seattle và New York vào ngày 18/8 vừa qua. Hầu như ngay lập tức bị tịch thu bởi chính quyền sở tại, nhưng những bức tượng này đã nhanh chóng “càn quét” và tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội.

"Mảnh đất này đã từng là mảnh đất của chúng ta" là tác phẩm graffiti bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới

Những bức tượng khỏa thân của ông Trump đã gây sốt mạng xã hội

Các tác phẩm của những họa sỹ, người vẽ họa hình và nghệ sỹ truyền thông có thể không đem lại ấn tượng mạnh như những nghệ sỹ đường phố; nhưng họ cũng không hề đứng bên lề cuộc chạy đua giữa ông Trump và bà Clinton.

Họa sỹ Eric Yahnker đến từ Los Angeles gây ấn tượng với những bức hình vẽ bằng bút chì trong đó miêu tả bà Hallary phì phèo khói thuốc và xỏ khuyên lưỡi hay ông Trump đeo khuyên tai… Nữ nghệ sỹ nổi tiếng Deborah Kass lại tạo ra một tác phẩm in màu có chân dung ông Trump “nhăn nhó” nhưng phía dưới lại là dòng chữ “Vote Hillary” (Hãy bầu Hillary). “Tấm poster này dựa trên tác phẩm ‘Vote McGovern’ của Andy Warhol từ năm 1972,” Kass cho biết. “Thật ra tôi muốn dành nó cho Bush, nhưng đây có lẽ là thời điểm tốt hơn.”

Tác phẩm "Hãy bầu Hillary" của Deborah Kass và tác phẩm "Hãy bầu McGover" của Andy Warhol

Tác phẩm "Hill Yeah!" của Eric Yahnker

Tác phẩm "Pierced Piety" Eric Yahnker

David Gleeson và Mary Mihelic của nhóm t.RuTT lại chọn cảm hứng từ cựu Tổng thống Czech Vaclev Havel làm cảm hứng của mình, khi mua chiếc xe bus tuyên truyền đầu tiên của Trump và chỉnh sửa lại để phục vụ cho một serie các tác phẩm nghệ thuật trình diễn di động, nơi hai nghệ sỹ tương tác chặt chẽ với các cử tri. “Ông Havel từng nói rằng, nếu chúng ta muốn thay đổi cách nhìn, chúng ta phải thay đổi hình ảnh,” Gleeson nói. “Người nghệ sỹ có một nhiệm vụ rất quan trọng. Họ không phải chỉ kiếm trò tiêu khiển cho giới nhà giàu. Họ thật sự có sứ mệnh riêng của mình.”

Thông điệp trên chiếc xe bus tuyên truyền của ông Trump được nhóm t.RuTT thay đổi

“Tôi không hy vọng các tác phẩm của mình có thể thay đổi phần lớn xã hội,” Plastic Jesus chia sẻ. “Nhưng nếu tôi có thể thay đổi ý kiến , cho dù chỉ của một người… như vậy, tôi đã hoàn thành công việc của mình.”

(Theo LA Times)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/trump-clinton-tran-trui-va-day-khieu-khich-217291.html