Trump – Abe: Đối đầu không khoan nhượng về TPP

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã vạch ra kế hoạch cho ngày đầu tiên nhậm chức, bao gồm việc rút khỏi TPP.

Ông Trump, không tổ chức một cuộc họp báo kể từ sau thắng lợi, mới công bố một video vào tối 21/11 phác thảo một số kế hoạch cho ngày đầu tiên của mình tại Nhà Trắng, bao gồm việc chính thức tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

"Tôi đã yêu cầu nhóm chuyển tiếp của tôi phác thảo một danh sách các hoạt động chúng tôi sẽ làm trong ngày đầu tiên để khôi phục luật pháp và mang lại công ăn việc làm cho chúng ta" và "Về thương mại, tôi sẽ đưa ra thông báo về ý định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP một thảm họa tiềm năng cho đất nước của chúng tôi," ông nói.

Rút khỏi TPP là một trong những lập trường cơ bản của ông Trump ngay từ khi tranh cử. (Nguồn: AP)

Hiệp định TPP là sáng kiến của Tổng thống Obama và đã được chính phủ Mỹ kí kết vào đầu năm nay, tuy nhiên, vẫn chưa được Thượng viện phê chuẩn. Trước đó, ý định trên của ông Trump đã thành công thu hút được cử tri đến từ tầng lớp lao động Mỹ - những người cảm thấy đang bị bỏ rơi trong quá trình toàn cầu hóa. Ông Trump đã cam kết sẽ bảo vệ công việc cho người dân Mỹ trước lực lượng lao động giá rẻ đến từ các thị trường lớn như Trung Quốc và Mexico.

Tổng thống mới đắc cử cho biết ông sẽ thay thế phù hợp thỏa thuận này với những giao dịch thương mại đàm phán song phương sẽ "mang lại việc làm và ngành công nghiệp trở lại các bờ biển nước Mỹ."

"Chương trình nghị sự của tôi sẽ dựa trên một nguyên tắc cốt lõi đơn giản: Đặt nước Mỹ lên đầu tiên. Cho dù là sản xuất thép, sản xuất xe cộ hay chữa bệnh, tôi muốn các thế hệ tiếp theo của sản phẩm và ứng dụng mới sẽ diễn ra ngay trên quê hương lớn của chúng tôi, Mỹ, tạo ra sự giàu có và việc làm cho người lao động Mỹ," ông nói.

Trump cho biết ông cũng sẽ hủy bỏ một số hạn chế về sản xuất năng lượng tại Mỹ vào ngày đầu tiên nhậm chức, đặc biệt là dầu đá phiến và "than sạch" – điều ông nói sẽ tạo ra "nhiều triệu công ăn việc làm với lương cao."

Quyết tâm của ông Abe

Sau động thái trên từ ông Trump, Nhật Bản đang lên kế hoạch nắm giữ vai trò dẫn đầu trong việc bảo đảm TPP có hiệu lực ngay khi có thể, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 21/11 cho biết.

Ông Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Nhật Bản đang có kế hoạch vận động các bên nhanh chóng ký vào hiệp ước TPP. Tuy nhiên, ông không có bình luận gì về tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử Donald Trump rằng muốn từ bỏ hiệp ước thương mại vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21/11 cũng đã cho biết TPP "sẽ là vô nghĩa nếu không có Hoa Kỳ." Tuyên bố này được cho là đã dội gáo nước lạnh vào các đề nghị từ các thành viên khác rằng vẫn có thể tiếp tục TPP khi thiếu Mỹ, đồng thời cho thấy lập trường rõ ràng đối với việc Trung Quốc đang thúc đẩy một hiệp định thương mại khác tại châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 15/11, ông Abe cũng đã tuyên bố rằng các rào cản đối với TPP hiện nay có thể chuyển sự chú ý sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một thỏa thuận có Trung Quốc nhưng không có Mỹ.

New Zealand và Australia, hai thành viên của liên minh tình báo "năm mắt" với Mỹ, Anh và Canada, là các bên ủng hộ mạnh mẽ TPP. Tuy nhiên, họ đã báo hiệu rằng có thể ủng hộ một “thỏa thuận đối thủ” của TPP – đang được Trung Quốc thúc đẩy.

John Key, Thủ tướng New Zealand cho biết, ông thất vọng nhưng không ngạc nhiên bởi quyết định của ông Trump. "Mỹ không phải là một hòn đảo và không thể chỉ ngồi đó và nói rằng không cần giao thương với phần còn lại của thế giới", ông nói. "Sẽ có lúc Mỹ cần muốn suy nghĩ về việc làm thế nào tiếp cận được những thị trường rất phát triển nhanh ở châu Á và vai trò họ muốn có ở châu Á."

Còn Thủ tướng Australia Turnbull đã cho biết ông hy vọng Trump sẽ có sự thay đổi, “Có một sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía 11 thành viên còn lại của TPP trong việc phê chuẩn và đưa thỏa thuận này đi vào thực thi”.

Cho thấy sự kiên định với TPP, ông Abe ngày 22/11 cũng đã cho biết hiệp ước này không thể được thương lượng lại. "Điều này (việc đàm phán lại) sẽ làm xáo trộn sự cân bằng cơ bản các lợi ích."

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã rất hi vọng vào việc thông qua TPP để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế chậm chạp của đất nước. Mitsuru Homma, chủ tịch và giám đốc điều hành của Japan Display bày tỏ mối quan ngại của mình về sự sụp đổ của TPP. "Tôi nghĩ rằng thị trường toàn cầu cần phải được tự do lưu thông," ông nói.

Là lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Nhật Bản trong một thập kỷ qua, ông Abe đã đầu tư rất nhiều “vốn chính trị” nhằm khắc phục sự phản đối mạnh mẽ trong nước đối với TPP và hiện nay đang phải đối đầu với một rào cản mới trong nỗ lực phục hồi kinh tế Nhật Bản.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/trump-abe-doi-dau-khong-khoan-nhuong-ve-tpp-219920.html