'Trùm' phim võ thuật Hồng Kông, ông bầu Lý Tiểu Long qua đời

Theo BBC, nhà sản xuất Châu Văn Hoài, 'bố già' của nền công nghiệp điện ảnh xứ cảng thơm vừa qua đời vào ngày 2.11.

'Bố già' của điện ảnh Hồng Kông vừa qua đời ở tuổi 91, để lại một di sản đồ sộ với hơn 600 bộ phim - Ảnh: Reuters

Sự ra đi của nhà sản xuất sinh năm 1927 được xem là một tổn thất lớn cho nền điện ảnh Hồng Kông nói riêng và châu Á nói chung. Suốt cuộc đời mình, ông đã có những cống hiến to lớn đối với ngành phim ảnh trong nước lẫn quốc tế. Châu Văn Hoài là người có công phát hiện ra tài năng của siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long và đưa nam diễn viên quá cố này nổi danh khắp thế giới. Trước khi bán công ty và nghỉ hưu vào năm 2007, nhà làm phim từng cho ra đời một gia tài nghệ thuật đồ sộ với hơn 600 tác phẩm điện ảnh lớn nhỏ.

Tin tức bất ngờ về Châu Văn Hoài nhanh chóng thu hút sự chú ý của người hâm mộ điện ảnh. Nhiều người đã gửi lời chia buồn đến gia đình của nhà sản xuất kỳ cựu đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và thành kính đối với nhân vật đã có công đưa điện ảnh xứ cảng thơm lên một tầm cao mới. Lý Hương Ngưng, con gái của Lý Tiểu Long đã gửi lời tri ân đến người đã đưa cha mình trở thành một ngôi sao võ thuật truyền hình huyền thoại. “Cảm ơn ông rất nhiều, cảm ơn đã cho cha tôi một cơ hội”, bà Lý xúc động bày tỏ.

Ông Robert Chua, bạn của Châu Văn Hoài nói với trang Straits times của Singapore rằng ông Châu đã có công lớn trong việc đưa Lý Tiểu Long và sau đó là đưa Hồng Kông đến với thế giới. Trong khi đó, tờ South China Morning Post trích lời của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đặc khu trưởng Hồng Kông rằng sự cống hiến của nhà sản xuất Châu Văn Hoài cho thời đại hoàng kim của phim Hồng Kông sẽ mãi được mọi người công nhận và tôn vinh.

Ông Châu Văn Hoài (người đeo kính) cùng hai diễn viên Lý Tiểu Long và John Saxon trong bộ phim Long tranh hổ đấu. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng có sự tham gia của ngôi sao võ thuật họ Lý trước khi ông qua đời vào năm 1973 - Ảnh: Getty Images

Sinh năm 1927 tại Hồng Kông, Châu Văn Hoài làm việc như một phóng viên trước khi tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh. Năm 1970, ông đồng sáng lập công ty sản xuất, phân phối và triển lãm phim Golden Harvest với Leonard Ho. Bộ phim đánh dấu sự thành công của Châu Văn Hoài là The Big Boss (tựa Việt: Đường sơn đại huynh) sản xuất năm 1971. Đây cũng là lần hợp tác đầu tiên của nhà sản xuất này với Lý Tiểu Long. Tác phẩm đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng phòng vé và là cái tên ăn khách nhất thời bấy giờ.

Sang đến năm 1972, “cặp bài trùng” Châu Văn Hoài, Lý Tiểu Long lại bắt tay tạo nên tiếng vang cho hai tác phẩm kế tiếp là Fist of Fury (tựa Việt: Tinh võ môn) và The way of the dragon (tựa Việt: Mãnh long quá giang), đưa ngôi sao võ thuật họ Lý trở thành một huyền thoại của điện ảnh Hồng Kông nói riêng và châu Á nói chung. Những năm 1980, nhà sản xuất sinh năm 1927 tiếp tục để lại ấn tượng mạnh trên màn ảnh nhỏ khi tiếp tục hợp tác với một ngôi sao võ thuật khác là Thành Long.

Khi có được chỗ đứng nhất định tại xứ cảng thơm, Châu Văn Hoài bắt đầu vươn tới Hollywood để quảng bá điện ảnh Hông Kông ra thế giới. Bộ phim đầu tiên hợp tác với những nhà làm phim đình đám người Mỹ là Enter the Dragon (tựa Việt: Long tranh hổ đấu) đồng sản xuất với hãng Warner Bros. Sau này, ông Châu cũng ghi dấu ấn tại kinh đô điện ảnh thế giới với tác phẩm Teenage mutant ninja turtles (1990).

Năm 1998, ông được trao tặng huy chương Sao vàng Bauhinia, giải thưởng vinh dự nhất tại Hồng Kông, vì những đóng góp của ông cho ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Sau những thập niên thống trị nền phim ảnh trong nước, năm 2007, công ty Golden Harvest bị lỗ nặng do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Sóng gió này đã khiến nhà làm phim kỳ cựu phải bán tháo Golden Harvest, gia tài lớn nhất đời mình. Kể từ đó đến nay, Châu Văn Hoài chính thức nghỉ hưu và ít khi xuất hiện trước công chúng.

Thanh Tuyền

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/trum-phim-vo-thuat-hong-kong-ong-bau-ly-tieu-long-qua-doi-1019986.html