Phan Sào Nam khai nguồn gốc 3,5 triệu USD gửi ở Singapore

3,5 triệu USD gửi tại ngân hàng ở Singapore là lợi nhuận Phan Sào Nam có được từ việc tổ chức đánh bạc.

Phan Sào Nam nói về việc phát hành game đánh bạc Rikvip Phan Sào Nam nghĩ Rikvip chưa được giấy phép nhưng Bộ Công an có thể cho cơ chế để công ty bình phong hoạt động nghiệp vụ đặc biệt mà người ngoài không thể biết.

Chiều 17/11, TAND tỉnh Phú Thọ thẩm vấn Phan Sào Nam - một trong những bị cáo tham gia điều hành đường dây đánh bạc Rikvip được nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bảo kê. Nguyễn Văn Dương sau khi bị cách ly đã được trở lại chỗ ngồi để nghe Nam trả lời HĐXX.

Thu lời bất chính hơn 1.400 tỷ

Phan Sào Nam là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online. Khi Hoàng Thành Trung, Giám đốc Trung tâm phần mềm Công ty VTC Intecom, đề nghị hợp tác phát hành phần mềm tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, Nam đã đồng ý.

Quá trình tìm đối tác, Nam biết Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của Cục cảnh sát phòng chống tội nghệ cao nên hợp tác phát hành game lên mạng và ký hợp đồng hợp tác.

Để game bài hoạt động thuận lợi, Nam chỉ đạo cấp dưới thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài Rikvip; chỉ đạo đối soát, tiếp nhận doanh thu tổ chức đánh bạc...

Cáo trạng xác định Phan Sào Nam thu lời bất chính hơn 1.400 tỷ đồng. Sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam chuyển cho dì ruột Phan Thu Hương 236 tỷ đồng để gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ gửi tiết kiệm; góp hơn 92 tỷ đồng vào một số công ty và nhờ người thân gửi tiết kiệm hoặc cất giữ.

Bị cáo Phan Sào Nam. Ảnh: Việt Linh.

Bị cáo Phan Sào Nam. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài ra, Nam nhờ người quen đứng tên mua 15 căn hộ tổng trị giá 150 tỷ đồng; gửi ngân hàng ở Singapore 3,5 triệu USD. Phan Sào Nam còn khai nhờ bạn cất giữ vàng, USD tổng trị giá 680 tỷ. Tuy nhiên, những người này đã bỏ trốn nên cảnh sát chưa làm rõ.

Sau khi bị bắt, Phan Sào Nam thừa nhận hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Đến nay, cơ quan điều tra tạm giữ 5 ôtô, 821 tỷ đồng, trong đó số tiền bị cáo tự giao nộp là gần 800 tỷ.

Từng bị "hỏi thăm"

Lúc 15h ngày 17/11, HĐXX bắt đầu xét hỏi bị cáo Phan Sào Nam. Cựu Chủ tịch Công ty VTC Online vận áo sơ mi sáng màu, quần jeans bước đến bục khai báo với tâm trạng khá thoải mái. Không chắp tay như nhiều bị cáo trước đó, Nam đứng buông tay và thi thoảng vung lên để diễn giải lời khai của mình.

Bị cáo 39 tuổi khai bản thân không có quan hệ nào với Nguyễn Văn Dương ngoài là đối tác của nhau. Trước khi quen Dương, Nam đã biết Công ty CNC do Dương làm chủ tịch, là đơn vị bình phong của C50. Sau này, Nam gặp và được Chủ tịch CNC khẳng định điều đó là đúng.

Cuối 2014, Phan Sào Nam gặp Hoàng Thành Trung (Phó giám đốc Công ty Nam Việt). Lúc đó, Nam nghe người bạn thân hơn 10 năm nói có game bài trên mạng nên muốn hợp tác phát hành. Thời gian này, cái tên Rikvip chưa ra đời.

Sau khi gặp Nguyễn Văn Dương, Nam đem câu chuyện của Trung trao đổi và được Dương khẳng định CNC có thể phát hành được game này. Họ đã thống nhất triển khai từ tháng 4/2015.

Tiếp tục khai báo, Phan Sào Nam giải thích theo hợp đồng, Công ty Nam Việt sẽ cắt bản quyền phần mềm cho VTC Online. VTC Online tiếp tục cắt bản quyền cho Công ty CNC. Cuối cùng, CNC đóng vai trò phát hành game trên thị trường Việt Nam.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Nam hiểu rằng trò chơi chưa được cấp phép. Tuy nhiên, Nam nói anh ta hiểu công ty của Nguyễn Văn Dương là bình phong.

Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bảo kê đường dây đánh bạc thế nào? Báo cáo lãnh đạo không trung thực về Rikvip, ông Vĩnh và ông Hóa tìm cách bao che sai phạm và đề nghị Bộ TT&TT cấp phép cho game đánh bạc "chui" này.

“Anh Dương rất tự tin về việc cùng hợp tác nên hai bên đã ký hợp đồng rất chính thống, rõ ràng. Do đó bị cáo đã tự tin ký hợp đồng với CNC”, Nam khai và trình bày, bản thân lúc đó đã được Nguyễn Văn Dương giải nghĩa thế nào là công ty bình phong.

Cựu Chủ tịch VTC Online tiếp tục trình bày, sau khi nghe Dương nói về chức năng, nhiệm vụ một công ty bình phong, Nam tự hiểu rằng dù chưa được Bộ TT&TT cấp giấy phép, nhưng “Bộ Công an có thể có một số cơ chế để các công ty bình phong có các hoạt động nghiệp vụ đặc biệt mà người ngoài không thể biết được”.

Ngoài ra, Nam trình bày rằng vì thấy Nguyễn Văn Dương tự tin về việc cùng hợp tác nên hai bên đã ký hợp đồng rất chính thống giữa 2 pháp nhân với nhau. “Nên bị cáo đã tự tin ký hợp đồng với CNC để phát hành game”, Phan Sào Nam trần tình.

Quá trình xét hỏi, Nam cũng khai rằng thời gian vận hành game đã gặp một số sự cố như đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Hà Nội đến làm việc với Nam Việt và VTC Online để yêu cầu trích xuất thông tin phục vụ điều tra.

“Thậm chí ngay cả Bộ TT&TT cũng cử một đoàn thanh tra đến làm việc với công ty bị cáo vào khoảng tháng 8-9/2016”, Nam khai và nói bản thân anh ta nghĩ tất cả việc đó đều thể hiện các cơ quan chức năng biết việc hợp tác phát hành. Tuy nhiên, Phan Sào Nam và công ty của anh ta đã hợp tác đầy đủ và không có kết luận điều tra hay xử lý nào.

“Do đó, bị cáo cảm thấy rất tin tưởng vào lời nói của bị cáo Dương và anh Dương cũng khẳng định việc phát hành được sự ủng hộ của các lãnh đạo, đang trong quá trình xin hồ sơ để được cấp phép”, Phan Sào Nam trình bày.

Cú sốc lớn

Cuối buổi chiều, khi HĐXX xét hỏi về việc đầu thú, Phan Sào Nam phân bua anh ta ra nước ngoài công tác từ ngày 2/9/2017. Lúc đó, Nam chưa biết bản thân bị cơ quan An ninh điều tra khởi tố. Suốt thời gian đó, Nam nói rằng anh ta cũng không nắm được thông tin chính thức nào về việc khởi tố hay phát lệnh truy nã, cho đến khi Nam về nước.

“Khi ở nước ngoài, bị cáo cũng nghe được thông tin, diễn biến về vụ việc ở Việt Nam. Đây là một cú sốc với bị cáo”, Nam giãi bày và nói lúc đó cần có thời gian để suy nghĩ và rà soát những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Bị cáo Phan Sào Nam. Ảnh: Việt Linh.

Phan Sào Nam khai bị cáo chưa bao giờ vướng vòng pháp lý, do đó Nam không biết thế nào là khởi tố hay điều tra. Sau đó, Nam quyết định quay về để trình diện cơ quan điều tra. Khi đó, bị cáo mới được xem lệnh khởi tố (từ ngày 12/9/2017) và quyết định truy nã.

Trước đó, khi trả lời luật sư, Nam khai rằng theo trí nhớ của anh ta, đã có một sự cho phép triển khai trò chơi đánh bạc ở sân bay quốc tế. Ngoài ra, Phú Quốc hay Vân Đồn cũng cho phép hoặc có xu hướng đầu tư cụm casino trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Bản thân Nam và Nguyễn Văn Dương cũng thường trao đổi về các xu hướng như thế.

“Do đó, bị cáo cũng như anh Dương đều kỳ vọng lĩnh vực này sẽ được phát triển tốt ở Việt Nam và chúng ta sẽ là người đi đầu”, cựu Chủ tịch Công ty VTC Online chia sẻ.

Trả lời về nguồn gốc 3,5 triệu USD Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng ở Singapore, bị cáo khai số tiền này có được từ việc tổ chức đánh bạc. Sau đó, một người bạn của Phan Sào Nam mượn và trả lại cho bị cáo khi sang Singapore. Khi bị bắt, Nam chủ động khai báo với cơ quan điều tra về số tiền này.

Đường dây đánh bạc nghìn tỷ sử dụng hóa đơn trái phép từ đâu? Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương cấu kết với Lê Thị Lan Thanh mua 160 hóa đơn "khống" có tổng doanh số hơn 5.100 tỷ đồng để hợp thức các khoản tiền không có chứng từ.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phan-sao-nam-khai-nguon-goc-3-5-trieu-usd-gui-o-singapore-post892938.html