Trục vớt

Nhiệm vụ của ông Biden là hàn gắn những mối liên kết với các đồng minh, đưa nước Mỹ quay trở lại với vai trò là người dẫn dắt, nếu không phải thế giới thì ít ra cũng là trong các liên minh truyền thống...

Một di sản nặng nề

“Ngoại giao Mỹ đã trở lại!”; “Trong 1 tuần, ông Biden sửa sai toàn bộ những gì ông Trump đã làm trong 4 năm!”, đấy là những nhận định trên các trang báo quốc tế sau chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Để nhìn nhận kết quả chuyến công du châu Âu 8 ngày của ông Biden, cần xem lại những gì mà người tiền nhiệm của ông đã làm trong 4 năm ở Nhà Trắng.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump, người bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm hoạt động đối ngoại, đã có hàng loạt quyết định khiến thế giới bất ngờ.

Ông Trump đã có tới 3 cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây), rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là thỏa thuận mà nhóm P5+1 ký với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, tái lập hầu như toàn bộ những biện pháp trừng phạt Cuba, khơi mào cuộc thương chiến với Trung Quốc...

Điều đáng nói là ông Trump thực thi hầu hết những quyết sách đối ngoại đó với tâm thế nước Mỹ “một mình một ngựa”, đưa nước Mỹ vào chủ nghĩa biệt lập mới, phá vỡ những mối liên kết với các đồng minh.

Hơn thế nữa, bằng việc đưa Mỹ đơn phương rút khỏi hàng loạt hiệp ước quốc tế như JCPOA với Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu COP 21, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP... cho thấy Mỹ dần từ bỏ vai trò dẫn dắt vốn lâu nay vẫn được Washington tự hào nhận lãnh.

Chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ. Ảnh: L.G.

Chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ. Ảnh: L.G.

Sự lạnh nhạt của Mỹ trong việc đảm nhiệm những sứ mệnh quốc tế đã dẫn tới những hệ lụy không nhỏ, đe dọa sự ổn định, thậm chí là sự tồn tại của các thiết chế cũng như hiệp định mà Mỹ tham gia.

Đấy là một trong những di sản đối ngoại ông Trump để lại cho người kế nhiệm mình sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà ông Trump đã thất bại, bất chấp những nỗ lực vô vọng nhằm níu giữ chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng.

Nhiệm vụ của ông Biden là hàn gắn những mối liên kết với các đồng minh, đưa nước Mỹ quay trở lại với vai trò là người dẫn dắt, nếu không phải thế giới thì ít ra cũng là trong các liên minh truyền thống.

“Một nhóm quốc gia lỗi thời!”

Trong số những thiết chế quốc tế có Mỹ tham gia, G-7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển, có lẽ là thiết chế hùng mạnh nhất và đáng buồn thay, cũng “tê liệt” nặng nhất sau những động thái của Mỹ dưới thời ông Trump.

G7 là nhóm các nước công nghiệp phát triển hình thành vào năm 1976 khi Canada gia nhập nhóm G6 trước đó (Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Ý). Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, G7 có một vai trò quan trọng trong việc định hình bộ mặt thế giới.

Trong khi ấy, nước Nga kế tục Liên Xô trước đó đã dần lấy lại được vị thế siêu cường, buộc các nước G7 không thể phớt lờ vai trò của nước này trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu. Điều đó đã dẫn tới cơ chế G8, hay còn được gọi là G7+1, với sự tham gia của Moscow cùng với 7 “ông lớn” trong nhóm G7. Tuy vậy, sau cuộc khủng hoảng Crimea, Nga đã bị trục xuất khỏi cơ chế này.

Cũng kể từ đó, vai trò của G7 mờ nhạt dần. Tờ Thời báo Eo biển của Singapore nhận định rằng các hội nghị thượng đỉnh G7 vẫn được đều đặn tổ chức hằng năm, nơi các nhà lãnh đạo cao nhất của 7 quốc gia thảo luận tất cả các vấn đề của thế giới, công bố những thông cáo dài với những hứa hẹn lớn lao, để rồi chúng bị phớt lờ cho đến hội nghị thượng đỉnh tiếp theo!

Có tuổi đời đã 45 năm nên không ngạc nhiên khi G7 bị nhiều nhà phân tích cho rằng nhóm này phản ánh những vận động của thế giới từ cách đây gần nửa thế kỷ, là một cơ chế lỗi thời trong thời buổi thế giới đang ngày càng phẳng hơn. Các nhà lãnh đạo 4 quốc gia châu Âu thành viên G7 chẳng cần đến các cuộc họp thượng đỉnh hằng năm chỉ có 1 lần; họ có thể gặp nhau hằng tuần trong các cuộc họp khác nhau của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản cũng vướng vào các tranh chấp thương mại song phương. Bản thân các nhà lãnh đạo Mỹ và Canada cũng thiết lập các kênh giao tiếp thân mật riêng giữa hai quốc gia Bắc Mỹ.

Sự nhạt nhòa và chia rẽ trong G7 càng rõ rệt hơn dưới thời của Tổng thống Trump, người hoan nghênh Brexit và từng thẳng thắn nhận xét: “Tôi cảm thấy G7 không đại diện cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là một nhóm quốc gia rất lỗi thời”. Với những quyết định tự cô lập của mình nhằm dành nguồn lực cho mục tiêu đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, dường như ông Trum đã định vị Mỹ thành một cực, đi ngược lợi ích các nước thành viên còn lại của G7.

Ông Trump cũng cắt giảm hỗ trợ cho NATO, mô tả các thành viên của tổ chức này là “vô tích sự”, thậm chí từng nghi ngờ nguyên tắc phòng thủ chung mang tính nền tảng của NATO.

Sau những tổn thất do ông Trump gây ra, ông Biden đi châu Âu dự hai cuộc họp thượng đỉnh NATO và G7 với nhiệm vụ “trục vớt” mối quan hệ của Mỹ với hai thiết chế liên minh lâu đời này. Ảnh: L.G.

Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Sau những tổn thất do ông Trump gây ra, ông Biden đi châu Âu dự hai cuộc họp thượng đỉnh NATO và G7 với nhiệm vụ “trục vớt” mối quan hệ của Mỹ với hai thiết chế liên minh lâu đời này.

Ở hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Anh, Mỹ cùng các thành viên còn lại đã đạt được đồng thuận trên chủ đề bao trùm là hợp tác chống đại dịch COVID-19, đưa G7 trở lại vị thế là thiết chế hùng mạnh giúp giải quyết các vấn đề nan giải của thế giới. Các nước G7 đã cam kết chia sẻ 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm tới, trong đó chỉ riêng Mỹ đã đóng góp một nửa.

Tuy nhiên, tính thiết thực trong hành động của G7 khi Mỹ quay trở lại mới là điều quan trọng chứ không phải những lời hứa suông. Tổng thống Pháp Macron khẳng định: “Việc chúng ta nói sẽ có bao nhiêu liều vaccine chúng ta giao tháng tới sẽ quan trọng hơn là hứa có bao nhiêu liều sẽ được giao trong 18 tháng tới”.

Một số thành viên G7, do có những quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc, không muốn đi quá xa trong việc ủng hộ lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một điểm trọng tâm ở hội nghị thượng đỉnh G7 là các nước thành viên đã nhất trí khởi động một kế hoạch cơ sở hạ tầng “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Không khó để nhận ra đây là một kế hoạch cạnh tranh chiến lược với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn bị phương Tây thường xuyên chỉ trích là “ngoại giao bẫy nợ”. B3W có quy mô toàn cầu tương tự BRI, giúp đáp ứng đến năm 2035 hơn 40 ngàn tỷ USD cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển, vốn càng trở nên cấp thiết trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới.

Thông cáo chung của G7 ra sau hội nghị thượng đỉnh cũng đã thể hiện sự thống nhất cao của Mỹ với các thành viên, kêu gọi tiến hành một cuộc nghiên cứu kịp thời, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và do các chuyên gia lãnh đạo về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Nếu như biết rằng trước đấy, Tổng thống Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ mở lại các cuộc điều tra về nguồn gốc lây lan dịch bệnh COVID-19 thì mới thấy quả thực là Washington đã tìm được tiếng nói chung với các thành viên G7 như thế nào.

Trong vai trò chủ nhà của cuộc họp thượng đỉnh G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi ông Biden đã mang lại làn gió mới cho cuộc họp. Tổng thống Pháp Macron nhận xét: "Thật là tuyệt vời khi có Tổng thống Mỹ là một phần của câu lạc bộ và sẵn lòng hợp tác". Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đánh giá với sự xuất hiện của ông Biden, "bầu không khí rất hợp tác với lợi ích chung".

“Thuốc thử”

Ở Brussels, cuộc họp của 30 nhà lãnh đạo với sự góp mặt của ông Biden lại là một cơ hội nữa để Tổng thống Mỹ hàn gắn những “vết nứt” do người tiền nhiệm để lại. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden đã mang đến “món quà” bằng tuyên bố: “Bảo vệ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada là nghĩa vụ thiêng liêng với Mỹ”.

Điều này khẳng định bước chuyển căn bản của chính quyền ông Biden đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Một lần nữa, vấn đề Trung Quốc lại phủ bóng lên hội nghị lần này, khi cả Mỹ và các thành viên NATO nhất trí đánh giá Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên quy định và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”.

Không chỉ Trung Quốc, những thách thức đến từ Nga cũng là liều “thuốc thử” quan hệ liên minh của Mỹ và các thành viên NATO. Ở hội nghị thượng đỉnh, NATO đánh giá các thách thức từ Nga bao gồm: chiến lược hạt nhân, các hoạt động quân sự (hiện diện sát biên giới Ukraine, Biển Đen, Bắc Cực và các khu vực khác), “chiến dịch làm sai lệch thông tin”, hoạt động can thiệp bầu cử ở các quốc gia thành viên NATO.

Thông điệp từ Mỹ và NATO khá rõ ràng: sẵn sàng đáp trả các hành động mà NATO cho rằng Nga đe dọa các lợi ích an ninh của NATO.

Trục quan hệ ngày càng thân thiết Nga-Trung trong thời gian gần đây đã gây lo ngại không ít cho phương Tây. Nhưng, qua hai hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO, có thế thấy cũng chính mối lo ngại đó là yếu tố giúp cho ông Biden thực hiện sứ mệnh “trục vớt” khá thành công mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh.
Yên Ba

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/truc-vot-647271/