{Trực tuyến} Tọa đàm về Nâng tầm Ngoại giao đa phương Việt Nam

Chiều 27/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề về 'Nâng tầm ngoại giao đa phương Việt Nam: từ phá bao vây cấm vận đến hòa giải, dẫn dắt, tham gia định hình luật chơi'. Báo TG&VN đưa tin tại sự kiện.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Buổi Tọa đàm do Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Trung tâm FOSET- Học viện Ngoại giao và Vụ Các Tổ chức quốc tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của các diễn giả chính là các nhà ngoại giao kỳ cựu như Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia sẽ phân tích góc nhìn toàn diện về chặng đường phát triển của ngoại giao đa phương Việt Nam, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước và các vấn đề, cơ hội, thách thức mới trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, các cán bộ ngoại giao trẻ tham dự buổi Tọa đàm sẽ được các chuyên gia cập nhật thông tin và bồi dưỡng kiến thức phục vụ công tác của Bộ trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Đối ngoại đa phương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng ngay từ ngày đầu thành lập nước và đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ 1945-1975, đối ngoại đa phương đã góp phần khẳng định vị thế của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất với những quyền dân tộc cơ bản trên trường quốc tế, hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có để ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những cuộc đàm phán đa phương với các cường quốc tại Geneva năm 1954, các vòng đàm phán Paris kéo dài từ năm 1968 đến đầu năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là những dấu son nổi bật của đối ngoại nước ta nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến nay), đối ngoại đa phương Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ, triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế - phát triển, xã hội và văn hóa, ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, phương thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phá thế bao vây cấm vận, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, nâng cao vị thế đất nước, thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Với chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, ta tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, hình thức, phương thức, đối tác và có nhiều chuyển biến về chất lượng. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam ngày càng được khẳng định, đặc biệt với việc đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế như Chủ tịch ASEAN năm 2010, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 và chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào tháng 2/2019.

Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm trọng trách "kép": Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là cơ hội hết sức quan trọng để Việt Nam thể hiện năng lực và chủ động, tích cực cùng bạn bè quốc tế khơi dậy tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế, nhất là giữa LHQ với ASEAN. Hai trọng trách đa phương gắn kết góp phần thúc đẩy lợi ích chung giữa Việt Nam với cộng đồng khu vực và quốc tế, đồng thời làm nổi bật vai trò của Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa LHQ và ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu tại Tọa đàm, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chia sẻ góc nhìn về đóng góp của đối ngoại đa phương Việt Nam trong thế bao vây, cấm vận, mở cửa, hội nhập. Việt Nam bắt đầu làm công tác đa phương từ thời kháng chiến. Trong chiến tranh chống Mỹ, là một nước nhỏ, phương châm đối ngoại cơ bản của ta phải là phát huy đa phương.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, thỏa hiệp trong khuôn khổ đa phương rất khó bởi việc xác định lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh khuôn khổ đa phương khó hơn vận dụng trong song phương. Lý do là trong đa phương thì lợi ích khác nhau và đan xen nhau. "Phải xác định các sự khác biệt và tìm ra được mẫu số chung", bà nhấn mạnh.

Việc ta chủ động và kịp thời gia nhập ASEAN (dù không hề dễ dàng) trong thập niên 1990 là đúng đắn. Muốn thoát khỏi cô lập, muốn hội nhập quốc tế hiệu quả để tạo thế hỗ trợ và bệ đỡ vững chãi cho phát triển đất nước thì phải tham gia các CLB càng nhanh càng tốt, tham gia càng nhiều càng bớt bị cô lập.

Năm 1997, Hà Nội đăng cai Hội nghị Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 với sự tham gia của 50 đoàn đại biểu cấp cao. Như vậy, trên con đường gia nhập 'giới hội nghị', Việt Nam đã biết cách “làm dâu trăm họ”. "Chủ trì một Hội nghị quốc tế là làm dâu trăm họ, biết cách phục vụ nước ngoài nhưng lại đạt được vị thế ngày một cao hơn", bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định.

Nhờ đó, ta làm được những điều giống như Singapore trước đây, phát huy thế đa phương để có tiếng nói trên trường quốc tế.

Tại sao ngoại giao đa phương hiện nay lại quan trọng? Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, bởi vì ngoại giao hiện nay không còn đơn giản, nó mang nhiều tầng lớp ý nghĩa hơn. Ngoại giao bây giờ không còn chỉ là những cuộc trao đổi về chính trị hay kinh tế đơn thuần, mà còn bao hàm nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, ngoại giao công chúng, truyền thông đối ngoại, quảng bá đất nước… Chính vì vậy, Việt Nam đã cần phải đổi mới, đẩy mạnh ngoại giao tổng lực, nhất là với ngoại giao đa phương.

Cái khó nhất của ngoại giao đa phương đối với cán bộ trẻ đó là, cái giá trị của những thành tựu về đa phương không được cảm nhận rõ ràng và nhanh chóng trong xã hội như là song phương. Tuy nhiên, để làm được đa phương, các cán bộ trẻ sẽ được rèn luyện trong một môi trường “khắc nghiệt”, tiếp thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm chỉ trong một thời gian ngắn, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chia sẻ tại Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh vào đối ngoại đa phương Việt Nam vươn lên tầm cao mới và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

Nhắc đến Năm APEC 2017 như một mốc son trong ngoại giao đa phương của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh ý nghĩa của "việc xác định điểm mạnh và yếu, thời cơ thách thức để từ đó, có được định hướng rõ ràng".

Đáng chú ý là Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương (tháng 8/2018) có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn thiện tư duy chính sách đa phương nói riêng và chính sách đối ngoại Việt Nam nói chung. Lần đầu tiên, chúng ta đề ra những định hướng tổng thể và dài hạn cho các hoạt động đa phương, từ tư duy, mục tiêu, phương châm đến các ưu tiên, cách tiếp cận và những giải pháp triển khai hiệu quả hơn. Đây là một nền tảng hết sức then chốt để chúng ta hình thành khả năng và năng lực mới hoàn thành các trọng trách quốc tế cũng như vai trò "kép" tại ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ - tạo tâm thế hoàn toàn mới cho đối ngoại đa phương Việt Nam.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, có 3 vấn đề cần nắm trong triển khai thời gian tới: Xác định được xu thế của đa phương thế giới, liên kết đa phương là nòng cốt; quá trình định hình của xu thế đa phương thay đổi rất nhanh, còn diễn biến lâu dài; các thách thức hiện nay trở nên rất gay gắt (dịch Covid-19, chiến tranh thương mại...), những thách thức đòi hỏi các giải pháp đa phương.

Tầm mức mới của đa phương khác trước rất nhiều, thể hiện trên 4 khía cạnh: Thứ nhất, về mục tiêu là môi trường hòa bình an ninh rộng lớn, toàn diện; mục tiêu là tạo ra vị thế - không gian mới của đối ngoại và lực - nguồn lực mới, không gia phát triển; Thứ hai, các tiếp cận mang tính đa tầng nấc, liên ngành, gắn chuyển đổi số và phát triển biền vững, các chủ thể tham gia; Thứ ba, Việt Nam đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải; Thứ tư, Việt Nam chủ động tham gia, tích cực định hình các cơ chế, luật chơi...

Từ đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh 4 trọng tâm của ngoại giao đa phương trong thời gian tới: Đảm nhận vai trò rộng lớn hơn (sáng kiến, ý tưởng, đóng góp chính sách, nhân lực, tài chính; chủ trì, điều phối, khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt với vai trò kép tại ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ...), tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới; liên kết kinh tế sâu rộng, gắn chuyển đổi số và phát triển bền vững; hoàn tất các cam kết quan trọng (Tầm nhìn ASEAN 2025 và sau 2025, Tầm nhìn APEC 2040...)

Ông Dương Trí Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Với chủ đề "Phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đặc biệt trong năm Chủ tịch ASEAN 2020", ông Dương Trí Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN cho biết: Việt Nam đã, đang và sẽ là thành viên nòng cốt của tổ chức khu vực gồm 10 nước Đông Nam Á. ASEAN có đặc thù riêng, vai trò nòng cốt và dẫn dắt cần kiên trì tham vấn, tìm kiếm lợi ích chung để các thành viên cùng phối hợp, đồng hành với nhau.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị cho Năm Chủ tịch 2020 có thể tự tin nói rằng các nước yên tâm, tin tưởng vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Các nước nhất trí chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của Năm Chủ tịch 2020 là "đúng và trúng". ASEAN cần củng cố, thống nhất trên củng cố sức mạnh nội tại; các nước cũng có những đề xuất gắn kết khu vực, tăng cường quyền năng của phụ nữ... Với việc Việt Nam chủ trì ứng phó với Covid-19 đã kích hoạt tốt Hội đồng Điều phối ASEAN.

Năm 2020 cũng hứa hẹn là một năm bội thu của ASEAN về đối ngoại, đây là cơ hội để Việt Nam cùng các nước xây dựng kế hoạch hợp tác với các đối tác. Tuy nhiên, "tình hình còn diễn biến phức tạp, việc nỗ lực trở thành nòng cốt trong ASEAN của Việt Nam cần nhiều cố gắng hơn nữa để có được lòng tin của các nước", ông Dương Trí Hiển khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tập trung vào "Những kết quả bước đầu tham gia Hội đồng Bảo an 2020-2021", ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế điểm lại 2 sáng kiến của Việt Nam trong Tháng Chủ tịch đầu tiên và cũng là tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Thứ nhất, Việt Nam lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đặc biệt, phiên thảo luận mở do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì về chủ đề này thu hút 111 lượt phát biểu, số lượng tham gia cao nhất trong lịch sử các phiên thảo luận mở của LHQ, trong đó có phát biểu của Tổng thư ký LHQ và 109 quốc gia thành viên, quan sát viên của LHQ.

Thứ hai, Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại HĐBA một cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN, tạo cơ hội nâng cao sự hiểu biết của HĐBA nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về vai trò của ASEAN trong khu vực và thảo luận các nội dung có thể tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai khối. Việt Nam cũng đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao ASEAN-LHQ về phát triển bền vững dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10/2020.

Trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, HĐBA đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nổi lên như Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Tây Phi, Mali, CH Trung Phi, Cyprus, Colombia, Nam Sudan, CHDC Congo… Ta đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận đề Hội đồng để ra được các quyết định kịp thời.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương đánh giá về việc Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hết sức đúng đắn, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, trong thời gian tới cần xem việc tham gia FTA thế hệ mới là trọng tâm trong hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần phối hợp thúc đẩy RCEP.

Nhóm PV-TGVN

Nhóm TG-PVTG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truc-tuyen-toa-dam-ve-nang-tam-ngoai-giao-da-phuong-viet-nam-110431.html