Trực trường ngày Tết, đừng dồn hết lên đầu hiệu trưởng

Khi nào giáo viên được phân công trực trong 5 ngày Tết thì mới được chi trả tiền làm thêm giờ, nếu không được chi thì mới có thể lên tiếng đòi quyền lợi cho mình.

Câu chuyện trực trường của giáo viên vào dịp Tết Nguyên đán vẫn thường được đề cập hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều thầy cô giáo vẫn thắc mắc là tại sao mình tham gia trực trường vào dịp Tết mà không được hưởng quyền lời, chế độ làm thêm giờ?

Ngày Tết, ai cũng muốn sum họp gia đình, được đi thăm và chúc Tết anh em nội ngoại, ai cũng muốn mình không phải tham gia trực trường, nhưng nếu ai cũng nghĩ vậy thì ai sẽ là người phải đi làm vào những ngày này?

Suy cho cùng thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay nhân viên nhà trường cũng đều là viên chức của ngành giáo dục- họ cũng có gia đình chứ, họ cũng mong muốn được nghỉ ngơi vào những ngày Tết lắm chứ.

Nhưng, vì nhiệm vụ chung nên mọi người vẫn vui vẻ trực Tết vì đây là công việc hàng năm của các nhà trường, khó có thể thoái thác- nếu như được phân công.

Năm nay, công chức, viên chức nghỉ Tết từ ngày 29 tháng Chạp (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn).

Năm nay, công chức, viên chức nghỉ Tết từ ngày 29 tháng Chạp (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn).

Nên hiểu thế nào cho đúng về chuyện trực trường trong dịp Tết Nguyên đán?

Đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã có lịch nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh ở các nhà trường phổ thông. Tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương nên có nơi cho học sinh nghỉ 9 ngày, có nơi nghỉ 15 ngày….

Thông thường, nhiều giáo viên có suy nghĩ là học sinh nghỉ học thì giáo viên cũng nghỉ dạy, nghỉ đến trường làm việc và mình cũng được nghỉ Tết.

Tuy nhiên, để hiểu cho đúng vấn đề thì việc học sinh nghỉ học và giáo viên nghỉ làm việc không đồng nhất với nhau. Bởi, trong trường thì cán bộ, giáo viên, nhân viên đều là viên chức mà đã là viên chức thì ắt phải thực hiện theo chế độ làm việc của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định về ngày nghỉ lễ, Tết của người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp Tết Âm lịch là 05 ngày.

Nghị định số 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động cũng nêu: “Thời gian nghỉ Tết âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết âm lịch Tân Sửu từ ngày 10/02/2021 đến ngày hết ngày 16/02/2021 (từ ngày từ 29/12 đến mùng 05/01 Âm lịch).

Bắt giáo viên trực Tết âm lịch không lương, hiệu trưởng có thể bị phạt nặng

Như vậy, Tết âm lịch Tân Sửu tới đây thì mọi cán bộ công chức, viên chức nhà nước được nghỉ 5 ngày Tết, cộng với 2 ngày nghỉ bù thứ Bảy và Chủ nhật là 7 ngày.

Vì thế, nếu giáo viên được nhà trường phân công trực trường mà không phải là những ngày nghỉ theo quy định của Tết Nguyên đán thì xem đây là công việc bình thường, giáo viên sẽ không được hưởng các chế độ làm thêm giờ mà hiệu trưởng nhà trường cũng không sai trong việc phân công.

Trường hợp nào trực Tết có được hưởng chế độ làm thêm giờ?

Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu là nếu như cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường mà trực trong 5 ngày Tết Nguyên đán theo quy định thì những ngày trực đó sẽ được hưởng 300% lương.

Tuy nhiên, việc chi trả chế độ làm thêm giờ cho cán bộ công chức, viên chức ở các địa phương hiện nay được làm rất chặt chẽ giữa Sở Tài chính, Sở Giáo dục và các ban ngành liên quan nên cũng có những cách hướng dẫn chi trả khác nhau giữa các địa phương.

Đối với khối trường học, có nơi cho chi tiền làm thêm giờ nhưng cũng có nơi hướng dẫn cho những cán bộ, giáo viên và nhân viên nghỉ bù sau Tết Nguyên đán.

Việc các thành viên trong Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường thì nghỉ bù rất đơn giản, còn giáo viên nghỉ bù thì lại liên quan đến việc đứng lớp nên thường gặp khó khăn.

Vì vậy, những địa phương mà không được chi tiền làm thêm giờ thì đa phần các thành viên Ban giám hiệu sẽ phân công giáo viên trực vào thời điểm không phải là 5 ngày nghỉ theo quy định và Ban giám hiệu, nhân viên nhà trường sẽ trực vào những ngày này.

Bắt giáo viên trực tết, hè,… không công sẽ bị phạt đến 20 triệu

Những nơi mà có hướng dẫn chi tiền làm thêm giờ thì thông thường trong 5 ngày nghỉ theo quy định thì mỗi ngày có 1 thành viên Ban giám hiệu và một nhân viên hoặc một giáo viên cốt cán trong trường trực ban ngày, bảo vệ sẽ trực vào ban đêm.

Chỉ những trường nhỏ, số lượng Ban giám hiệu, nhân viên, ban chấp hành Công đoàn, tổ trưởng chuyên môn ít thì mới huy động đến giáo viên trong trường.

Thực ra, việc được chi chế độ làm thêm giờ trong những ngày trực Tết thì hiệu trưởng và kế toán nhà trường không có quyền quyết định mà phải theo hướng dẫn ở trên.

Nếu hiệu trưởng và kế toán cho phép chi nhưng lên Phòng, Sở không ký duyệt, kho bạc không giải ngân thì cũng vô nghĩa, không rút tiền được.

Nếu trên cho chi thì đương nhiên các trường sẽ chi vì bây giờ khi có quyết định hay hướng dẫn cái gì liên quan đến quyền lợi của giáo viên thì cấp trên đều gửi email về các trường.

Và, đương nhiên là các thành viên Ban giám hiệu trực Tết nhiều thì họ sẽ chỉ đạo kế toán làm chứng từ để chi trả chế độ cho anh em trực trường.

Chính vì vậy, việc trực Tết của giáo viên hiện nay phải phân biệt được khoảng thời gian không phải là 5 ngày nghỉ theo quy định thì không được chi trả tiền làm thêm giờ hoặc không được nghỉ bù vì những ngày này vẫn đang là những ngày làm việc bình thường của viên chức, của giáo viên.

Chỉ khi nào giáo viên được phân công trực trong 5 ngày Tết thì lúc đó mới được chi trả tiền làm thêm giờ, nếu không được chi thì mới có thể lên tiếng đòi quyền lợi cho mình.

KIM OANH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truc-truong-ngay-tet-dung-don-het-len-dau-hieu-truong-post215044.gd