Trục trặc kỹ thuật, 'lò' sản xuất thuốc phóng xạ ngừng hoạt động hơn 1 tháng

Đơn vị PET- CT và Cyclotron là hai đơn vị duy nhất tại TPHCM tại thời điểm này cung cấp thuốc phóng xạ cho kỹ thuật chụp PET-CT cho các bệnh viện tại TP HCM, 'lò' sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngừng hoạt động hơn 1 tháng nay vì trục trặc kỹ thuật.

Máy PET-CT bị hỏng đầu dò ghi hình

Máy PET-CT bị hỏng đầu dò ghi hình

Chiều 27/6, TS.BS Ngô Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Đơn vị PET-CT và Cyclotron là nơi duy nhất tính đến thời điểm này sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG phục vụ cho kỹ thuật chụp PET-CT chủ yếu dành cho bệnh nhân bị ung thư.

Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, máy gia tốc Cyclotron để tạo ra đồng vị phóng xạ 18F, nguyên liệu chủ yếu để tổng hợp thành thuốc phóng xạ 18F-FDG dùng tiêm cho bệnh nhân trước khi ghi hình chụp PET-CT bị lỗi kỹ thuật ở hệ thống bia tạo ra đồng vị phóng xạ. Đơn vị đã thông báo đến nhà sản xuất và đang đợi thiết bị thay thế chuyển về từ Mỹ.

Không chỉ có máy gia tốc Cyclotron bị trục trặc mà ngay cả máy PET-CT của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bị hỏng đầu dò tín hiệu thiết bị ghi hình PET và cũng đang chờ thiết bị thay thế.

Máy gia tốc Cyclotron bị lỗi kỹ thuật hệ thống bia

PET-CT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, cung cấp đồng thời hình ảnh cấu trúc giải phẫu rõ nét của CT và hình ảnh tổn thương sớm ở mức độ tế bào, mức độ phân tử của PET. Do vậy PET/CT có độ nhạy, đặc hiệu, chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương hoặc bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.

Đây được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán ung thư mới có thể tìm kiếm các vị trí ung thư di căn, phát hiện tổn thương nguyên phát của ung thư, thậm chí phát hiện ung thư ngay khi cơ thể chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc - điều mà chụp CT, MRI... đều không thể phát hiện ra.

Sau khi tiêm thuốc phóng xạ, máy sẽ quét hình ảnh toàn thân của bệnh nhân, có thể xác định và theo dõi quá trình di chuyển của tế bào ung thư, quá trình di căn cũng như những tổn thương hiện có. Chính vì thế, nhu cầu chụp PET-CT của bệnh nhân khá cao. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 10 - 12 bệnh nhân chụp PET-CT.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM còn có 2 bệnh viện khác cũng có hệ thống máy PET-CT là Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Nhân dân 115. Tuy nhiên cả 2 bệnh viện này đều phải lấy thuốc phóng xạ từ Bệnh viện Chợ Rẫy nên khi hệ thống sản xuất thuốc ngừng hoạt động thì PET-CT của hai bệnh viện trên cũng phải tạm dừng.

BS Cảnh cho biết, hệ thống máy PET-CT và Cyclotron của Bệnh viện Chợ Rẫy đã hoạt động được 10 năm, thỉnh thoảng có trục trặc nhỏ nhưng đây là lần hỏng hóc lâu nhất. Do điều kiện bất khả kháng nên bệnh viện đã phải thông báo đến các bệnh nhân có nhu cầu chụp PET-CT tạm dừng. Với những ca bệnh cần phải chẩn đoán hình ảnh ngay thì bệnh viện sẽ giới thiệu bệnh nhân ra Hà Nội hoặc Đà Nẵng để chụp.

Theo BS Cảnh, với ưu thế của PET-CT và nhu cầu người bệnh, TP HCM cần phải có ít nhất 2 - 3 hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG và 7 - 8 máy chụp PET-CT. Có như vậy mới cung ứng đủ thuốc phóng xạ cũng như tránh được trường hợp hỏng hóc bị ngưng trệ như hiện nay.

Hiện các kỹ sư, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đang khẩn trương khắc phục và sửa chữa những trục trặc của hệ thống, dự kiến có thể hệ thống PET-CT và Cyclotron sẽ sửa xong và vận hành vào tuần sau.

An Nhiên

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/truc-trac-ky-thuat-lo-san-xuat-thuoc-phong-xa-ngung-hoat-dong-hon-1-thang-post304075.info