Trục trặc giới tính: Chấp nhận hay can thiệp y khoa?

Thông thường, khi một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, người thân và những người xung quanh đều quan tâm đến giới tính của đứa trẻ. Câu trả lời sẽ là bé trai hoặc bé gái.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, một số trường hợp khiến mọi người khó đưa ra câu trả lời, vì giới tính của đứa bé không biểu hiện rõ ràng.

Giới tính không rõ ràng

Về sinh học, mỗi giới hoặc giống được đặc trưng bởi các đặc điểm khác nhau về hình thức, chức năng, sinh hóa và sinh lý. Ở cấp độ tế bào, giới tính được quy định bởi các nhiễm sắc thể.

Ở con người, về di truyền, những đứa trẻ có đủ 23 cặp nhiễm sắc thể, trong đó có cặp nhiễm sắc thể XY sẽ là bé trai (nhiễm sắc thể X thừa hưởng từ mẹ và nhiễm sắc thể Y thừa hưởng từ cha), những đứa trẻ có cặp nhiễm sắc thể XX sẽ là bé gái (nhiễm sắc thể X thừa hưởng như nhau từ cha và mẹ).

Nhưng có một số trường hợp không may, vì sự "trục trặc" trong quá trính phát triển nên đứa trẻ sinh ra có biểu hiện lệch lạc về mặt giới tính và dẫn tới hiện tượng nửa nam, nửa nữ.

Nguyên nhân

Trục trặc tổng hợp Testosterone: Do thiếu Enzym nên các quá trình chuyển hóa Cholesterol thành Testosterone trong cơ thể trẻ bị trục trặc. Nếu thiếu nhiều Testosterone sẽ làm cho trẻ nam phát triển theo kiểu… nữ.

Thiếu Androgen: Androgen cần thiết để phát triển một bộ phận sinh dục nam bình thường qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là sự hình thành và giai đoạn sau là sự to ra. Nếu thiếu ở giai đoạn sau thì một bé trai được xem như là… "phát triển lệch hướng", vì "cậu bé" không chịu lớn.

Nếu phát hiện và điều trị sớm ở tuổi dậy thì bằng Testosterone thì khả năng "đàn ông" sẽ được khôi phục.

Hội chứng không nhạy cảm bộ phận với Androgen: Cơ quan sinh dục của trẻ không đáp ứng với sự điều hành của Androgen, khiến cho một trẻ tuy có đủ 23 cặp nhiễm sắc thể, với XY nhưng lại "trình làng" với bộ phận sinh dục ngoài lớn hơn âm vật và nhỏ hơn dương vật.

Hai tinh hoàn "cố thủ" nằm lại trong ổ bụng chứ không chịu di chuyển vào đúng vị trí trời sinh. Lỗ tiểu có thể lạc chỗ đến… tầng sinh môn, gây ra sự khó khăn khi đi tiểu. Đến tuổi dậy thì trẻ có hai vú phát triển lớn như con gái trên một vóc dáng con trai!

Loạn sản không hoàn toàn tuyến sinh dục: Do tinh hoàn biệt hóa không hoàn toàn, nên bộ phận sinh dục ngoài cũng "nhập nha" về mặt hình thức. Sự thiếu hụt lượng Androgen khiến cho mầm mống sinh dục nam bị "lép vế", để cho cơ quan sinh dục ngoài tự do phát triển theo kiểu… nữ.

Hội chứng Kinfelter: Trẻ sinh ra có thừa một nhiễm sắc thể quy định giới tính. Trẻ trai không là XY mà là XXY. Bước vào dậy thì vú phát triển kiểu nữ, tinh hoàn bé, tinh trùng ít, mặc dù bộ phận sinh dục ngoài đường đường là một trang nam tử hán.

Thiếu hụt Enzym 5-Reductase: Sự thiếu hụt men này gây cản trở việc chuyển hormone sinh dục nam là Testosterone thành Dihydrotestosterone cần thiết để phát triển "bảo bối" của bé trai. Dẫn đến hậu quả là tuy tinh hoàn hoạt động, nhưng dương vật lại… như âm vật.

Ngoài ra, hiện tượng "phát triển sai" này còn do sự thiếu sót về thời điểm biệt hóa, sự quá sản bẩm sinh tuyến thượng thận và những biến đổi khác của bộ nhiễm sắc thể của trẻ sơ sinh.

Quan niệm về giới tính thứ ba

Tạo hóa tạo ra con người, tạo ra giới tính, nam có, nữ có, sự "pha trộn" giữa nam và nữ cũng có. Đúng là có chút bất công khi tỉ lệ các thành phần này không bằng nhau. Nam và nữ được "ưu tiên" chiếm đa số với tỉ lệ tương đối bằng nhau.

Sự pha trộn nam - nữ chiếm tỉ lệ ít hơn (khoảng 3 - 5% dân số) nên trở thành "cá biệt" và thường được các nhà khoa học gọi là giới tính thứ ba.

Do quan niệm và sự kỳ thị của xã hội, nên trong một thời gian rất dài của lịch sử loài người, ở nhiều quốc gia, dân tộc những người thuộc giới tính thứ ba được người nhà giữ bí mật và che đậy ngay từ khi phát hiện ra điều bất thường về giới tính của trẻ. Lớn lên, những người mang giới tính thứ ba lại phải tiếp tục che đậy thân phận của mình để hội nhập và sống giữa mọi người.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia dân tộc và đặc biệt là trong những thập niên gần đây, cái nhìn mang tính hẹp hòi và ích kỷ của số đông dần được tháo gỡ và xóa bỏ. Những người mang giới tính thứ ba có thể công khai giới tính của mình và luật pháp có những điều khoản riêng để bảo vệ quyền lợi cho họ một cách hợp pháp và công bằng.

Chấp nhận sự thật?

Thành thật mà nói, trong chúng ta không ai muốn người thân của mình mang giới tính thứ ba. Với các bậc cha mẹ, lại càng không muốn vậy. Do đó, sự xuất hiện đột ngột của Thiên thần mang giới tính thứ ba sẽ làm cho các bậc cha mẹ và người thân đau đớn, buồn bã và thất vọng...

Tuy nhiên, đó lại là sự thật. Một sự thật cần được nhìn nhận và đón tiếp. Hãy biết cách chấp nhận sự thật để có thể làm được những điều tốt đẹp hơn và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngày nay, nhờ có phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là mạng xã hội, nhiều người có thể đọc, xem và ngắm nhìn sự thành công của nhiều người mang giới tính thứ ba. Một sự thật đáng trân trọng và thương yêu.

Can thiệp y học

Một số trường hợp ái nam, ái nữ vừa mang trên người tinh hoàn, lại vừa có sự hiện diện của buồng trứng. Do đó, tùy từng thời điểm bộ phận nào hoạt động mạnh sẽ thể hiện những đặc điểm về giới tính có liên quan đến chức năng mà bộ phận đó phụ trách. Cho nên, những đặc điểm nam nữ cứ đan xen nhau một cách nhập nhòa, dở khóc, dở cười…

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung và sự tiến bộ của nền y học nói riêng, những người bị ái nam, ái nữ có thể phẫu thuật chuyển giới nếu có điều kiện tài chính và sự quyết tâm. Nhờ can thiệp y học sẽ đưa nhiều người thoát khỏi giới tính thứ ba.

Cơ sở lựa chọn giới tính để phẫu thuật dựa trên sự đánh giá của các nhà chuyên môn về ưu thế chức năng giới tính nam hay nữ. Trên cơ sở đó, sửa lại cơ quan sinh dục ngoài cho phù hợp với đặc điểm và tính chất của một người.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truc-trac-gioi-tinh-chap-nhan-hay-can-thiep-y-khoa-20200708094228951.html