Trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy, tín nhiệm sẽ tăng

'Khi đại hội trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy thì uy tín và tín nhiệm của địa phương cũng như cá nhân người được bầu sẽ được nâng lên rất nhiều', đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ảnh), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định ngày 9/6.

Đại hội cấp huyện đầu tiên của Quảng Ninh bầu trực tiếp bí thư. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đầm Hà lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/5. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đại hội cấp huyện đầu tiên của Quảng Ninh bầu trực tiếp bí thư. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đầm Hà lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/5. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Quảng Ninh vừa mạnh dạn đề xuất đại hội bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy. Ông thấy sao về đề xuất này?

Theo tôi, đây là đề xuất hay. Quảng Ninh đã tính toán kỹ vấn đề nhân sự trong việc lựa chọn, giới thiệu người có đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ tới. Nhiều địa phương đã bầu trực tiếp bí thư cấp huyện, nhưng bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy thì chưa. Vấn đề này cần phải chờ Bộ Chính trị quyết định là đúng, vì chưa có tiền lệ.

Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị cũng khuyến khích địa phương nào có đầy đủ điều kiện thì tiến hành bầu trực tiếp bí thư. Chính vì vậy, nơi nào có điều kiện thì nên đề xuất thực hiện. Về hình thức, quy trình bầu thì ở cấp tỉnh cũng giống như huyện, nên cấp huyện làm được thì tỉnh cũng làm được.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Theo ông, việc trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy như vậy sẽ mang lại hiệu quả gì?

Những đòi hỏi về bí thư cấp tỉnh ủy phải hơn rất nhiều so với ở cấp huyện và xã. Đó phải là người tài đức vẹn toàn. Nhưng điều quan trọng, uy tín và tín nhiệm của tỉnh cũng như của cá nhân người được bầu đó sẽ được nâng lên rất nhiều nếu để đại hội trực tiếp bầu.

Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, khi đại hội trực tiếp bầu bí thư thì vấn đề trách nhiệm chuẩn bị nhân sự sẽ ra sao?

Theo tôi, trách nhiệm cũng thuộc về ban chấp hành, thường vụ tỉnh ủy đó luôn. Ban chấp hành, ban thường vụ khóa cũ thường chuẩn bị nhân sự cho khóa mới nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm tập thể. Vì bí thư ký tên là thay mặt ban thường vụ chứ không ký tên cá nhân bí thư được. Nên ban thường vụ tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm chung với bí thư. Tất nhiên, bí thư là người đứng đầu nên phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất với những vấn đề xảy ra trong tỉnh.

Còn với đại hội, khi đã tiến hành bầu trực tiếp bí thư thì phải có quy chế, quy định rõ ràng. Đại hội bầu bí thư tỉnh ủy xong giao cho ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy đó phải chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của bí thư.

Nhiều người đặt vấn đề đưa ra số dư để đại hội lựa chọn bầu bí thư?

Việc này phụ thuộc vào từng đề án mỗi tỉnh, có thể đưa ra số dư, hoặc chỉ bầu trực tiếp cho một người. Tùy theo đề án và tình hình cụ thể để cấp trên phê duyệt. Theo tôi, sau Quảng Ninh, nên khuyến khích thêm các tỉnh, thành phố khác bầu trực tiếp bí thư cấp tỉnh. Rõ ràng, đại hội bầu trực tiếp bí thư thì tính dân chủ trong đảng sẽ được tăng lên rất nhiều.

Cảm ơn ông.

Thành Nam (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/truc-tiep-bau-bi-thu-tinh-uy-tin-nhiem-se-tang-1670764.tpo