Bảo tồn giá trị lịch sử chùa Nam Tông Khmer

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều ngôi chùa Nam Tông Khmer trong tỉnh Sóc Trăng đã trở thành nơi đùm bọc, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng.

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều ngôi chùa Nam Tông Khmer trong tỉnh Sóc Trăng đã trở thành nơi đùm bọc, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Những ngôi chùa này trở thành minh chứng cho lịch sử hào hùng của quân và dân Sóc Trăng, ghi dấu ấn sâu sắc thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi đất nước hòa bình, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chính sách đầu tư, trùng tu, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử này.

Ngôi chánh điện chùa Pô Thi Phđôk (huyện Kế Sách) được tôn tạo khang trang

Ngôi chánh điện chùa Pô Thi Phđôk (huyện Kế Sách) được tôn tạo khang trang

Chúng tôi đến chùa Pô Thi Phđôk tọa lạc tại ấp Kinh Giữa I, xã Kế Thành, huyện Kế Sách trong những ngày tháng 4 lịch sử, ngôi chùa dù nằm ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhưng với sự chăm lo của tỉnh, chính quyền địa phương, cùng với sự khởi sắc của phum sóc đồng bào Khmer, chùa Pô Thi Phđôk cùng được đầu tư tôn tạo khang trang. Đại đức Sơn Sang, trụ trì chùa Pô thi Phđôk, cho biết, trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhất là giai đoạn từ 1952 – đến đất nước giải phóng, lúc ấy Hòa thượng Cao Cương là trụ trì chùa, ngôi chùa Pô Thi Phđôk luôn là cơ sở hoạt động cách mạng đáng tin cậy. Ngôi chùa đã nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng, chăm lo từng miếng cơm, manh áo cho mọi người được no ấm, đủ sức chiến đấu và vững bước trên con đường cách mạng để đi đến thành công.

Đại đức Sơn Sang cho biết: "Hòa thượng Cao Cương, sư có nhiều thành tích rất là nổi bật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa thượng kiên cường đấu tranh, cũng như là hỗ trợ rất nhiều người dân chỗ trú ẩn trong chùa để tránh bom đạn của quân địch. Hòa thường chăm lo cả cơm nước cho bà con".

Cùng thời điểm đó, ngôi chùa bị tàn phá nặng nề bởi bom, đạn của quân địch. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, với những đóng góp và giá trị lịch sử cách mạng, chùa Pô Thi Phđôk được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2016. Để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư tôn tạo ngôi chánh điện khang trang.

Đại đức Sơn Sang, trụ trì chùa Pô thi Phđôk, cho biết thêm: "Ngôi chánh điện trùng tu mới thì kinh phí là do tỉnh hỗ trợ. Phật tử, sư sãi phải nói là rất phấn khởi. Rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, hỗ trợ chùa để chùa có kinh phí xây dựng khang trang hơn".

Chùa Ô Chumaram Prêk Chêk từng nuôi chứa cán bộ cách mạng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Cùng với chùa Pothi Phđôk, Chùa Ô Chumaram Pkếk Chếk thuộc xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước đã có nhiều công lao đóng góp trong nuôi chứa cán bộ làm cách mạng và từng bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn. Thực hiện chính sách bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, chính sách đối với các ngôi chùa Khmer đã có nhiều công lao đóng góp với cách mạng, địa phương đã xuất kinh phí hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ chùa xây dựng lại ngôi chánh điện, mang lại niềm phấn khởi cho bà con phật tử và sư sãi nơi đây.

Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chumaram Pkếk Chếk cho biết: "Sư cả chùa trước đây tham gia cách mạng, người cháu của sư cả thì cũng theo cách mạng, vì vậy, sư đã nhận nuôi chứa các nhà hoạt động cách mạng để chống lại đế quốc Mỹ. Thấy vậy, Mỹ đã ném bom đạn bắn phá làm ngôi chùa bị hư hại nặng. Từ đó thì ngôi chùa xuống cấp. Từ giải phóng đến nay, kinh phí hạn hẹp nên cũng không thể trùng tu, xây dựng lại. Nay được sử quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, sư rất là vui mừng".

Nối tiếp truyền thống của cha ông, hiện nay, các vị sư sãi đồng bào Khmer ra sức tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đóng góp công sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Sự đầu tư tôn tạo bên cạnh bảo tồn các di tích lịch sử ở các chùa Nam Tông Khmer có nhiều đóng góp cho cách mạng còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương của cộng đồng các dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/bao-ton-gia-tri-lich-su-chua-nam-tong-khmer-853809.vov