Trực thăng Nga lại thất bại trong cuộc đua với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana thông báo rằng nước này quyết định sẽ mua 16 trực thăng quân sự UH-60 Black Hawk của Mỹ thay vì Mi-171 của Nga

Như đã thông tin trước đó, Quân đội Ai Cập mới đây đã tạm đình chỉ kế hoạch tiếp nhận lô trực thăng Ka-52 Alligator trong hợp đồng 46 chiếc ký với Nga (sau khi mới bàn giao 12 chiếc) do phát hiện chúng gặp lỗi kỹ thuật về động cơ và hệ thống điện tử.

Không quân Ai Cập đã phải cấp tốc đặt hàng từ Mỹ 10 trực thăng tấn công AH-64E Guardian, phương tiện đã chứng tỏ năng lực vượt trội và độ bền bỉ khi hoạt động trong điều kiện sa mạc để thay thế.

Trước đó, Nga cũng thất bại tại Ấn Độ khi chiếc Mi-28 bị AH-64 Apache bị loại khỏi thị trường vũ khí truyền thống. Xa hơn nữa là việc quốc gia Nam Á này đã quyết định lựa chọn trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook thay vì Mi-26 nhờ đặc tính vận động linh hoạt hơn hẳn.

Trực thăng vận tải đa dụng UH-60 Black Hawk của Mỹ

Trước tình hình trên, Nga rất cần một hợp đồng xuất khẩu trực thăng quân sự để vớt vát phần nào sự thất thế với Mỹ trong phân khúc thị trường đặc biệt này, Moskva đã chọn quốc gia Đông Nam Á Philippines làm nơi tranh tài.

Trong cuộc gọi thầu quốc tế để cung cấp 16 trực thăng vận tải đa dụng cho Không quân Philippines, hai ứng viên sáng giá nhất là Mi-171 đến từ Nga và UH-60 Black Hawk do Mỹ sản xuất, còn lại AW139 của châu Âu và Suriwon của Hàn Quốc chỉ được coi là "quân xanh".

Sau khi đánh giá sơ bộ, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều cho rằng Mi-171 sẽ giành phần thắng vì trong thời gian qua Philippines đã cho thấy rõ việc muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trang bị với ưu tiên dành cho nước Nga.

Trực thăng vận tải đa dụng Mi-171 của Không quân Ấn Độ

Tuy nhiên thật bất ngờ, Philippines đã quyết định dành hợp đồng trị giá khoảng 240 triệu USD này cho Mỹ để mang về phi đội 16 trực thăng UH-60 Black Hawk.

Nguyên nhân chính dẫn tới quyết định trên của Không quân Philippines là do UH-60 Black Hack có khả năng vận động linh hoạt vượt trội Mi-171 nhờ kết cấu "đuôi thấp" thay vì "đuôi cao".

Chiếc trực thăng Black Hawk tỏ ra đặc biệt hữu dụng khi thực hiện chiến thuật đổ bộ đường không, thời gian đổ quân chỉ vào khoảng 10 giây so với 1 phút của Mi-171 và không cần bãi đáp được chuẩn bị sẵn.

Ngoài ra hệ thống điện tử hàng không và thông tin liên lạc cũng như vũ khí tích hợp thêm của UH-60 Black Hawk cũng tốt hơn nhiều so với Mi-171, những nguyên nhân trên đã dẫn tới quyết định của Philippines về việc đặt niềm tin vào trực thăng Mỹ.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/truc-thang-nga-lai-that-bai-trong-cuoc-dua-voi-my-3370660/