Trực thăng nặng nhất của Liên Xô V-12 được gọi là chiến thắng kỹ thuật

Tạp chí Popular Mechanics tỏ ra ngưỡng mộ trực thăng lớn nhất thế giới V-12 của Liên Xô (NATO định danh Homer) khi gọi nó là kỳ quan kỹ thuật.

Liên Xô đã tạo ra V-12 vào cuối những năm 1960 để vận chuyển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tới các căn cứ thay vì sử dụng đường sắt. Như tác giả bài báo giải thích, vào thời điểm đó mạng lưới đường sắt ở Liên Xô còn kém phát triển và chịu sự giám sát thường xuyên của máy bay trinh sát U-2 của Mỹ. Và các căn cứ tên lửa hạt nhân mới khá dễ nhận biết dọc theo các tuyến đường sắt được xây dựng để cung cấp cho chúng.

Do đó các nhà thiết kế Liên Xô đã đề xuất một loại máy bay trực thăng siêu nặng có thể đưa tên lửa hạt nhân đến các căn cứ từ xa, giữ bí mật về chúng trước tình báo Mỹ.

Dự án được phê duyệt vào năm 1962, và năm 1968 chiếc V-12 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên. Nó có lẽ là chiếc trực thăng đầu tiên trên thế giới có bố trí cánh quạt ngang.

Chiếc trực thăng này dài hơn và rộng rãi hơn máy bay chở khách Boeing 747. Nó sử dụng động cơ của hai trực thăng Mi-6 nhỏ hơn để đạt được trọng tải gấp đôi.

V-12 có thể chở 196 hành khách hoặc gần 40 tấn hàng hóa. Khoang chở hàng dài hơn 28 mét, cao và rộng hơn 4 mét, đủ lớn để chở xe buýt nội thành một cách dễ dàng. Khoang điều khiển có phi hành đoàn 6 người, bao gồm cả thợ điện của chính nó.

Trực thăng vận tải lớn nhất thế giới V-12 của Liên Xô. Ảnh: Vpk.

Trực thăng vận tải lớn nhất thế giới V-12 của Liên Xô. Ảnh: Vpk.

Lần ra mắt quốc tế của V-12 diễn ra tại Triển lãm Hàng không Paris 1971. NATO lo ngại rằng nó sẽ được sử dụng như một máy bay chiến thuật có thể chở các phương tiện bọc thép để hỗ trợ cuộc tấn công bằng trực thăng.

Vào thời điểm này, vệ tinh do thám của Mỹ đã có thể khảo sát những vùng lãnh thổ Liên Xô rộng lớn hơn nhiều và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dần trở nên nhẹ hơn để có thể vận chuyển bằng xe tải.

Ngoài ra các công nghệ mới đã cho phép ICBM mang nhiều đầu đạn. Điều này làm tăng đáng kể hỏa lực của từng tên lửa và giảm nhu cầu về căn cứ cố định mới. Không còn nhu cầu cung cấp bằng đường hàng không đã dẫn đến sự không cần thiết của V-12.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/truc-thang-nang-nhat-cua-lien-xo-v-12-duoc-goi-la-chien-thang-ky-thuat/20200919075542697