Trực thăng giải cứu 6 thuyền viên như thế nào?

Hai phi công dày dạn kinh nghiệm của Công ty Trực thăng miền Bắc đã thực hiện bay treo trên biển trong thời tiết dông bão, đưa thành công 6 thuyền viên về bờ.

Trao đổi với Zing, thượng tá Hoàng Xuân Nam, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 18 (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam - VNH), cho biết tổ bay EC-155B1 do binh đoàn điều động đã hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ trên biển, đưa 6 thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 về bờ an toàn.

14h30 ngày 10/10, sau khi nhận được lệnh từ Bộ Quốc phòng, Công ty Trực thăng miền Bắc đã điều động chiếc trực thăng EC-155B1 từ sân bay Gia Lâm bay thẳng vào miền Trung. Máy bay hạ cánh tại sân bay Đồng Hới để tiếp nhiên liệu trước khi đến hiện trường tai nạn tàu tại biển Cửa Việt (Quảng Trị).

Tình thế hiểm nghèo

Có mặt tại hiện trường, phóng viên Zing chứng kiến các nỗ lực dùng thuyền, xuồng cao su để tiếp cận thuyền viên mắc kẹt đều thất bại. Người nhà của các nạn nhân và người dân địa phương đội mưa túc trực trên bờ. Một số thân nhân bật khóc vì lo lắng.

Theo phương án giải cứu, các thuyền viên mắc kẹt sẽ được kéo lên trực thăng thông qua hệ thống dây tời. Đây là nhiệm vụ khó khăn khi máy bay phải hoạt động trong điều kiện gió mạnh, mưa lớn, sóng cao và nước biển đục ngầu.

 Trực thăng EC-155B1 tiếp cận 6 thuyền viên kẹt lại trên tàu Vietship 01. Ảnh: Việt Linh.

Trực thăng EC-155B1 tiếp cận 6 thuyền viên kẹt lại trên tàu Vietship 01. Ảnh: Việt Linh.

Tổ bay điều khiển chiếc EC-155B1 gồm thiếu tá Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc, và đại tá Trần Quang Tuấn. Cả 2 người đều là phi công cấp 1 (cấp cao nhất) với kinh nghiệm dày dạn và kỹ năng bay biển lão luyện.

Ngoài kíp lái, trên máy bay còn có trung tá Cao Ánh Dương (tổ trưởng Bộ môn Dù tìm kiếm cứu nạn) và thượng úy Tăng Bá Trung (nhân viên tìm kiếm cứu nạn đường không).

"Với nhiệm vụ khó khăn thế này, chúng tôi phải cử những phi công có trình độ tốt nhất. Họ đã sử dụng kỹ thuật bay treo trên mặt biển với độ cao 7-10 m. Sóng gió rất mạnh nhưng các phi công đã thao tác tốt", lãnh đạo VNH chia sẻ.

Sau khi dừng ở sân bay Đồng Hới để nạp nhiên liệu, tổ bay điều khiển chiếc EC-155B1 hạ cánh xuống sân vận động huyện Gio Linh để nhận dây cùng trang thiết bị cứu sinh. Từ chiều đến tối 10/10, trực thăng bay nhiều vòng phía trên các thuyền viên gặp nạn nhưng không thể tiếp cận do gió lớn và sương mù. Tổ bay hoàn thành việc thả nhu yếu phẩm xuống cho các thuyền viên đang mắc kẹt và ròng dây nối từ tàu gặp nạn vào bờ.

Sáng 11/10, lực lượng đặc công nước đưa thêm được 2 người về bờ. Trên tàu chỉ còn 6 người. Họ co cụm trên tháp chỉ huy của tàu - phần duy nhất còn nổi trên mặt nước.

Cứu 6 người trong 3 lần cất cánh

Trong bối cảnh các thuyền viên bị chấn thương, đuối sức, lực lượng cứu hộ hạ quyết tâm phải cứu được hết số người còn lại trong sáng 11/10.

Chiếc trực thăng xuất hiện đã nhen nhóm hy vọng của mọi người sau khi nhiều nỗ lực giải cứu đều thất bại. Ảnh: Việt Linh.

Sau nhiều nỗ lực, máy bay tiếp cận được tháp chỉ huy của tàu Vietship 01. Trung tá Cao Ánh Dương với trang phục người nhái đã tụt dây tời xuống vị trí 6 thuyền viên mắc kẹt. Đội cứu hộ quyết định dành 2 lượt bay đầu tiên để đưa 2 thuyền viên yếu nhất về bờ.

Lần thứ 3 cũng là lần phi công phải bay treo lâu nhất, họ đã kéo 4 người còn lại lên máy bay và về bờ an toàn. Toàn bộ thời gian giải cứu kéo dài trong 30 phút, kết thúc lúc 9h30 ngày 11/10.

"Các phi công đã rất dũng cảm, nhưng đó là việc chúng tôi thường xuyên phải làm, nhiệm vụ của người lính mà", thượng tá Nam chia sẻ. Ông khẳng định tổ bay can đảm nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện an toàn tối thiểu mới được cất cánh, không có chuyện liều lĩnh thực hiện thao tác vượt quá khả năng.

Nói về chiếc EC-155B1, ông Nam cho biết đây là dòng trực thăng chuyên dụng để bay biển với tính năng gọn nhẹ, tốc độ nhanh. VNH thường xuyên dùng loại máy bay này để cứu hộ thuyền viên trên biển hoặc phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. "Bay biển thì chọn EC-155, còn bay rừng núi thì phải chọn loại trực thăng khác", thượng tá Nam chia sẻ.

EC-155B1 được trang các công nghệ tiên tiến do Pháp sản xuất. Máy bay được thiết kế năm cánh quạt với độ rung động cực thấp, mức độ tiếng ồn dưới 4,6 dB (dưới mức quy định của ICAO). EC-155B1 có phạm vi hoạt động 874 km, trọng lượng cất cánh tối đa là 4.800 kg, sức chở 10-12 hành khách.

Rạng sáng 8/10, tàu Vietship 01 đang neo đậu ở cảng Cửa Việt thì bị sóng to kết hợp gió mạnh cuốn ra vùng biển cách bờ 400 m. Tàu mắc cạn và chìm dần, chỉ còn phần tháp chỉ huy nhô lên mặt nước.

Thời điểm này, trên tàu có 12 thuyền viên. Lực lượng cứu hộ đã cứu được một số người. Tính đến tối 10/10, 8 người vẫn kẹt trên tàu.

Toàn cảnh cứu hộ thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 Sau 3 lần giải cứu bất thành, trực thăng cùng đặc công nước được huy động để tiếp cận và giải cứu các thuyền viên.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truc-thang-giai-cuu-6-thuyen-vien-nhu-the-nao-post1140605.html