Trực thăng AH-64 Apache Mỹ sắp có vũ khí vô hiệu hóa toàn bộ phòng không lục quân Nga?

Nhờ loại tên lửa không đối đất thế hệ mới, trực thăng AH-64 Apache Mỹ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trước phòng không lục quân Nga.

Trực thăng AH-64 Apache của Mỹ sẽ có khả năng tung đòn tấn công ngoài tầm bắn các hệ thống phòng không lục quân Nga nhờ một vũ khí mới rất lợi hại.

Cách đây ít lâu, Cơ quan quản lý hợp đồng của Lục quân Mỹ đã đăng một thông báo trên trang web của họ, liên quan đến gói thầu sản xuất Tên lửa chính xác tầm xa (LRPM) thế hệ mới.

Tên lửa này dự kiến sẽ được sản xuất để tích hợp trên các loại trực thăng vũ trang hiện tại và sẽ xuất hiện trong tương lai (RW), cũng như hệ thống máy bay không người lái (UAS).

Tên lửa được yêu cầu phải có độ chính xác cao, đổng bộ, hiệu quả khi phóng từ trên không (ALE), thông báo cho biết.

Theo Cơ quan quản lý hợp đồng, hệ thống vũ khí mới phải có khả năng tiêu diệt đa dạng các loại mục tiêu khác nhau bao gồm: hệ thống phòng không tích hợp; xe thiết giáp hiện đại, căn cứ chỉ huy, trạm trú quân...

Cũng cần lưu ý rằng phạm vi hiệu quả của tên lửa chính xác thế hệ mới phải lớn hơn 30 km (thời gian bay ở 30 km nhỏ hơn hoặc bằng 100 giây) và thêm vào đó tầm bắn trên 40 km là khuyến cáo nên có.

Ngoài ra hệ thống vũ khí mới này sẽ có thể tham chiến với các mục tiêu đứng yên hoặc di động trong điều kiện ngày - đêm và khi thời tiết bất lợi, một cách độc lập khi hệ thống định vị toàn cầu (GPS) bị vô hiệu hóa.

Hiện nay các nhà lãnh đạo Lục quân Mỹ đã công bố thêm chi tiết về phi đội hàng không hiện tại và lưu ý rằng việc hiện đại hóa cũng như bảo trì các máy bay trực thăng đang có trong biên chế là cực kỳ quan trọng.

Hai chỉ huy cấp cao bao gồm Thiếu tướng David Francis đến từ Trung tâm huấn luyện phi công xuất sắc thuộc không quân lục quân và Tổng tư lệnh Fort Rucker đã vạch ra các ưu tiên hiện đại hóa lực lượng tác chiến trên không, trong đó tên lửa LRPM là một trong các trọng tâm.

Thiếu tướng Francis cho biết "Khi tôi nói về lực lượng hàng không của lục quân, họ sẽ chiến đấu và chiến thắng trong môi trường tương lai, tôi đang nói về UH-60 Black Hawk, CH-47 Chinook và AH-64 Apache chúng ta sở hữu ngày hôm nay".

Dự kiến tên lửa LRPM sẽ sớm đi vào phục vụ, khi đó máy bay không người lái chiến đấu hay trực thăng vũ trang của Mỹ ngoài khả năng diệt tăng tầm xa còn chế áp được cả các tổ hợp phòng không tầm thấp như Pantsir-S1 hay Tunguska-M1.

Về phần Nga, nước này cũng đã chuẩn bị sẵn một câu trả lời đanh thép cho tên lửa LRPM của Mỹ, đó chính là đạn không đối đất Izdeliye 305 (sản phẩm 305) để tích hợp cho trực thăng tấn công.

Mặc dù vậy tên lửa Izdeliye 305 của Nga theo thông báo chỉ vươn tới được cự ly 25 km, tức là thua kém tương đối nhiều so với sản phẩm do Mỹ chế tạo.

Nhưng trên chiến trường, tầm bắn không phải yếu tố quyết định chiến thắng mà đó là hệ thống dẫn đường và trinh sát, bên nào củng cố được cơ sở này mới thực sự chiếm ưu thế toàn diện.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/truc-thang-ah-64-apache-my-sap-co-vu-khi-vo-hieu-hoa-toan-bo-phong-khong-luc-quan-nga-post493322.antd