Trực Tết nơi bản sương giăng, nơi đèo mây phủ

Xuyên suốt trong nỗi nhớ về những lần đón Tết ấy là hình ảnh những cán bộ Công an cùng đồng bào quây quần bên bếp lửa bập bùng để xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt ở vùng cao...

20 năm công tác ở địa bàn vùng cao thì có tới 15 năm đón Tết cùng đồng bào, đó là những cái Tết xa nhà nhưng vẫn thấm đẫm tình thân. Xuyên suốt trong nỗi nhớ về những lần đón Tết ấy là hình ảnh những cán bộ Công an cùng đồng bào quây quần bên bếp lửa bập bùng để xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt ở vùng cao; là những đêm ngủ trên chõng tre đệm rơm không đủ ấm trong những căn nhà gỗ chông chênh xiêu vẹo; là những ngày đêm cùng đồng bào đi xuyên rừng để thực hiện công tác nghiệp vụ trong những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết vùng cao...

Đó là tâm sự của Thượng tá Phạm Huy Hoàng, Trưởng Công an huyện SiMaCai (Lào Cai), một trong những cán bộ Công an “nơi bản sương giăng, nơi đèo mây phủ” mà tôi đã được gặp và tiếp xúc.

Thượng tá Phạm Huy Hoàng (ngồi giữa) luôn gần gũi với người dân vùng cao.

Thượng tá Phạm Huy Hoàng (ngồi giữa) luôn gần gũi với người dân vùng cao.

Khi nói về Tây Bắc, trong tác phẩm “Tiếng hát con tàu”, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương/Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn"...

Khi định nghĩa về quê hương, mỗi người lại có một quan điểm khác nhau. Có người cho rằng, quê hương là nơi ta đã sinh ra; cũng có người lại nói quê hương là nơi mà mình sinh sống, làm việc, gắn bó trong phần lớn cuộc đời. Với Thượng tá Phạm Huy Hoàng, Trưởng Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai), có lẽ cả hai quan điểm đó đều đúng. Người Trưởng Công an huyện ấy yêu đất cảng Hải Phòng nơi mình sinh ra, lớn lên song lại nặng lòng với Lào Cai, mảnh đất hơn hai mươi năm, anh đã dành trọn tâm sức và coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Thượng tá Phạm Huy Hoàng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tháng 10/2000, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học ANND (nay là Học viện ANND), theo tiếng gọi của núi rừng Tây Bắc, anh lên công tác tại Công an tỉnh Lào Cai...

Được tổ chức phân công làm việc tại Đội An ninh, Công an huyện Mường Khương, bằng những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường cộng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã không ngừng trau dồi bản thân, thường xuyên cập nhật thông tin và nghiên cứu các văn bản, quy định về lĩnh vực công tác; chủ động tham mưu chỉ huy đội đề xuất với lãnh đạo đơn vị thực hiện hiệu quả công tác an ninh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh dân tộc - tôn giáo, vốn là một vấn đề khó và phức tạp tại địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Mường Khương nói riêng. Mặc dù đảm đương khối lượng công việc rất lớn nhưng anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tháng 1-2003, Thượng tá Phạm Huy Hoàng được điều động về Phòng An ninh chính trị 4 - Công an tỉnh Lào Cai (nay là Phòng An ninh đối nội), phụ trách địa bàn Sa Pa; một huyện trọng điểm về du lịch trong địa bàn tỉnh, phức tạp cả về yếu tố dân tộc - tôn giáo - an ninh nông thôn và yếu tố nước ngoài.

Cùng với CBCS trong đơn vị, anh đã không quản gian khó xuống từng thôn, bản để nắm tình hình; tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không nghe theo các luận điệu của kẻ xấu xuyên tạc, tuyên truyền, kích động tham gia vào những hoạt động trái pháp luật. Qua thời gian gắn bó, anh đã nhận được những tình cảm quý mến sâu sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. 20 năm công tác ở địa bàn vùng cao, thì có tới 15 năm đón Tết cùng đồng bào, đó là những cái Tết xa nhà nhưng vẫn thấm đẫm tình thân...

Thượng tá Phạm Huy Hoàng chia sẻ. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh không nói nhiều về bản thân mình, với suy nghĩ giản đơn đã là người chiến sỹ Công an thì sự gian khổ là đương nhiên và phải sẵn sàng chấp nhận đương đầu. Anh luôn nhắc đến đồng bào với sự biết ơn và vì niềm tin yêu của đồng bào dành cho.

Anh trăn trở: Phải luôn trân trọng và giữ gìn bằng được niềm tin yêu ấy bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm của mình. Mỗi người chiến sỹ Công an phải thấm thía, khắc cốt ghi tâm điều đó, bởi nếu đánh mất đi tình cảm tin yêu ấy của đồng bào, sẽ không thể hoàn thành được bất cứ nhiệm vụ nào dù là giản đơn nhất.

Tháng 6/2020, Thượng tá Phạm Huy Hoàng được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Si Ma Cai. Đây là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai, có gần 10km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, với thành phần dân tộc đa dạng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình công tác trước đây và với tình cảm đặc biệt dành cho đồng bào, anh cùng với CBCS Công an huyện Si Ma Cai tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh bóc gỡ các đối tượng trong các chuyên án lớn tại địa bàn huyện Si Ma Cai; xây dựng Kế hoạch “Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021” với những mục tiêu cụ thể; chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm nhằm đảm bảo ANCT, TTATXH tạo môi trường ổn định và yên bình cho đồng bào yên tâm vui Xuân, đón Tết.

Xuân Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/truc-tet-noi-ban-suong-giang-noi-deo-may-phu-629015/