Trục lợi trên an toàn tính mạng người dân

Những năm gần đây, trước mùa mưa bão, cùng với phương pháp truyền thống, người dân tiến hành lắp thêm ke mái tôn chống bão. Phương pháp này trên thực tế đã mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, điều đáng nói là lợi dụng nhu cầu của người dân, nhiều đối tượng đã tiến hành sản xuất ke mái tôn giả bán ra thị trường. Vừa qua, gần 500.000 thành phẩm ke mái tôn chống bão bị làm giả được cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ tại thôn Dụ Tiền, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Ke mái tôn chống bão làm tăng tiết diện liên kết giữa mái và xà gồ, ke mái tôn có độ bền cao, chịu được sức gió giật cấp 10-12. Cứ đến mùa mưa bão, do nhu cầu sử dụng tăng cao nên không ít cơ sở đã sản xuất ke mái tôn chất lượng thấp và đưa ra thị trường tiêu thụ. Có mặt tại một cơ sở sản xuất ke mái tôn chống bão không phép tại huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, chúng tôi thấy từ nhà xưởng đến công nghệ, vật liệu sản xuất ke mái tôn đều rất thủ công và không bảo đảm chất lượng. Thế nhưng, bao bì của những ke mái tôn chống bão này lại được in mác một thương hiệu ke mái tôn đạt huy chương vàng hội chợ và sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn cơ sở của một xưởng sản xuất uy tín tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ hơn 500.000 thành phẩm ke mái tôn chống bão có dấu hiệu làm giả tại một xưởng sản xuất tại xã Thanh Thùy, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Tại xưởng sản xuất này, bao bì các hãng ke mái tôn chống bão ở Bình Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh được in sẵn với số lượng rất lớn. Nhựa tái chế dùng để sản xuất ke cũng được vứt tràn lan dưới nền nhà. Hàng nghìn sản phẩm không cần dập mác, mà sản xuất xong được đóng gói mang đi tiêu thụ. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ những thành phẩm này thì chủ của xưởng sản xuất bỗng dưng “đi vắng” và không biết lúc nào mới về.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết: “Đây là lần đầu tiên, Đội Quản lý thị trường số 6 thu giữ được số lượng ke mái tôn chống bão lớn như thế này. Nếu 500.000 sản phẩm kém chất lượng này đưa ra thị trường thì tương đương hàng vạn mét vuông nhà xưởng phải sử dụng ke giả. Những ke giả này chỉ có hình thức giống còn về chất lượng không hề có tác dụng gia cố mái tôn như hàng chuẩn. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm tới cơ quan chuyên môn kiểm định và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trước mắt, chúng tôi tạm thời thu giữ toàn bộ số hàng này”.

Ke mái tôn để chống bão được sử dụng như là một vật liệu quan trọng. Chính vì vậy, hậu quả từ việc sử dụng ke mái tôn giả là khôn lường. Được biết, giá của những sản phẩm làm giả này bán trên thị trường chỉ bằng 1/3 sản phẩm chính hãng. Điều này lý giải vì sao không ít người sẵn sàng vi phạm các quy định của pháp luật để trục lợi trên tính mạng của người khác. Trong khi người dân phải bỏ một số tiền không nhỏ để đổi lại sự an toàn cho cả gia đình trong mùa mưa bão thì những cơ sở sản xuất này lại lợi dụng niềm tin của người dân để sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng.

Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là mối quan tâm lớn của xã hội. Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại và hậu quả lớn cho người tiêu dùng. Vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc lựa chọn, quyết định sử dụng sản phẩm nào. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế, sẽ không thể có cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái nào tồn tại được, nếu chính quyền cơ sở làm hết trách nhiệm của mình...

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/truc-loi-tren-an-toan-tinh-mang-nguoi-dan-542364