Trục lợi bằng tâm linh!

Chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng này là cóp nhặt, cắt dán Kinh Phật, Kinh Thánh, ý kiến của các danh nhân, thêm thắt những luận điệu mới để thuyết phục người nghe. Nội dung bao giờ cũng dẫn dụ đến sự dọa dẫm, khiến người nghe lo âu, sợ hãi và cách giải quyết cuối cùng là nộp tiền để đổi lấy sự thanh thản.

Ảnh minh họa. (Theo: phapluatplus.vn)

Ảnh minh họa. (Theo: phapluatplus.vn)

Những ngày qua điểm nóng mà báo chí và dư luận lên tiếng là Câu lạc bộ Tình người ở Hà Nội với nhiều dấu hiệu trục lợi bằng tâm linh. Họ hoạt động với phương châm được quảng bá là kết nối những trái tim nhân hậu, phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng, lan tỏa trí tuệ, làm phúc cứu đời và gieo duyên…

Tuy nhiên, sau cái vỏ bọc mỹ miều ấy là sự thật khác. Khi các hội viên đã sinh hoạt mới dần dần nhận ra chân tướng của Câu lạc bộ này. Họ dạy rằng mọi vấn đề bất ổn trong cuộc sống của mỗi người đều do “nghiệp” và có đến 70 “vong” bám theo, trong khi “vong” khôn hơn người trần đến 70 lần. Đáng sợ như thế, nhưng lại rất dễ giải quyết, dễ “giải nghiệp”, “trả nghiệp” bằng cách dùng tiền để cúng gia tiên, để gia tiên trả lộ phí mỗi lần về phổ độ cho con cháu. Gọi là cúng gia tiên nhưng tiền thì nộp cho Câu lạc bộ, đổi lấy giấy ghi nhận nhưng về nhà phải đốt đi để hoàn thành một chu trình “giải nghiệp”.

Một chiêu khác là mua đồ thờ cúng qua Câu lạc bộ với giá cao gấp nhiều giá thực tế. Có người thì được hướng dẫn, nếu muốn trả nghiệp nhanh thì phải trích 50% tiền lương hàng tháng đến Câu lạc bộ.

Và các hội viên có nghĩa vụ “gieo duyên” tức là rủ rê thêm nhiều người tham gia, kiểu kinh doanh gần giống đa cấp, chỉ khác ở chỗ lợi nhuận chỉ vào túi một số đối tượng tổ chức.

Những dấu hiệu trục lợi bằng tâm linh không hề mới, trước đây báo chí đã từng lên tiếng, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng xử lý trụ trì một ngôi chùa hoành tráng vì dùng chiêu nộp tiền để cúng oan gia trái chủ, cụ thể là nộp tiền vào tài khoản nhà chùa để được bình an. Hay có nhóm tà đạo thu tiền của người tham gia bằng cách bán tài liệu và buộc các thành viên nộp 1/10 thu nhập hàng tháng cho hội.

Có thể nói đây là những dấu hiệu chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi, đánh vào tâm lý sợ hãi mơ hồ về tâm linh và cầu mong tai qua nạn khỏi, có nhiều phúc lộc… của những người nhẹ dạ, cả tin, nhận thức về tôn giáo, tín ngưỡng không đúng đắn.

Nếu theo đạo Phật thì hầu như ai cũng hiểu rằng không tà ma nào có thể ban phúc, giáng họa cho con người, mà mỗi cá nhân quyết định cuộc sống của mình với quy luật của nhân quả. Nếu sống tốt, có trí tuệ, có lòng nhân ái, biết yêu thương giúp đỡ mọi người, có đức hiếu sinh, chăm chỉ lao động, học tập thì nhất định có cuộc sống an vui, nhiều thành công và may mắn. Ngược lại, nếu làm những điều không tốt thì chắc chắn gặt hái những kết quả không tốt. Phật cũng không ban phúc, giáng họa cho con người, Phật chỉ là người thầy vĩ đại hướng dẫn chúng sinh cách sống thiện lương, sáng suốt để có được cuộc sống tốt đẹp.

Do đó, không thể có chuyện dùng tiền, nộp tiền để thay đổi số phận, để chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, để có nhiều phúc lộc như mua một món hàng. Khi nào người tổ chức thu tiền để giải vong, để chuyển nghiệp, thì có thể là tà đạo...

Điều đáng quan tâm là những năm qua, ở một số địa phương xuất hiện những tổ chức tôn giáo, tâm linh tự xưng, hoạt động trái phép khiến nhiều người dân trở thành nạn nhân, ảnh hưởng xấu để tình hình an ninh trật tự. Những đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép này đều nhằm mục đích vụ lợi, hoàn toàn đi ngược lại với tư tưởng, tôn chỉ hành động của các tôn giáo chính thống...

Chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng này là cóp nhặt, cắt dán Kinh Phật, Kinh Thánh, ý kiến của các danh nhân, thêm thắt những luận điệu mới để thuyết phục người nghe. Nội dung bao giờ cũng dẫn dụ đến sự dọa dẫm, khiến người nghe lo âu, sợ hãi và cách giải quyết cuối cùng là nộp tiền để đổi lấy sự thanh thản.

Câu chuyện Câu lạc bộ Tình người thêm một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về dấu hiệu trục lợi bằng tâm linh đang diễn ra rất phức tạp. Những hoạt động này gây nhiều hậu quả xấu, nhiều người trở thành nạn nhân, gia đình mâu thuẫn, thậm chí còn tác động xấu đến khối đại đoàn kết, thậm chí chống đối cơ quan chức năng.

Đã đến lúc cần sự ra tay đồng bộ để ngăn chặn tình trạng này. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng có dấu hiệu mê tín dị đoan, lừa đảo người nhẹ dạ; xử lý nghiêm minh những đối tượng tổ chức, cầm đầu, chủ mưu để pháp luật được thực thi nghiêm minh./.

Thái Vũ

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/truc-loi-bang-tam-linh-577511.html