Trưa luận

Khi phân tích tác phẩm thi ca từ góc độ thi pháp học, người ta luôn dành sự chú ý nhất định tới thời gian nghệ thuật và thường phân chia thời gian thành các khu vực cơ bản: buổi sáng, buổi chiều và buổi tối (đêm). Tuy thế, còn một lát cắt thời gian nữa cũng xuất hiện trong không ít các tác phẩm văn chương mà chưa được các nhà phê bình chú ý đúng mức. Đó là buổi trưa.

Như chúng ta đều biết, thời gian nghệ thuật là một phạm trù quan trọng không thể thiếu trong mọi tác phẩm thi ca. Nó không chỉ là hình thức, phương tiện để tác phẩm tồn tại mà còn trở thành một biểu tượng, thể hiện quan niệm của người cầm bút về cuộc đời và con người. Khi phân tích tác phẩm thi ca từ góc độ thi pháp học, người ta luôn dành sự chú ý nhất định tới thời gian nghệ thuật và thường phân chia thời gian thành các khu vực cơ bản: buổi sáng, buổi chiều và buổi tối (đêm). Tuy thế, còn một lát cắt thời gian nữa cũng xuất hiện trong không ít các tác phẩm văn chương mà chưa được các nhà phê bình chú ý đúng mức. Đó là buổi trưa.

Trong cảm thức của người Việt nói chung, buổi trưa thường tương ứng với giờ Ngọ (từ 11h đến 13h), được quan niệm là khi mặt trời lên cao nhất. Buổi trưa là khi ca làm việc buổi sáng chuẩn bị kết thúc, dành chỗ cho một khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào giờ làm việc buổi chiều. Tuy thế, trong dân gian, đã có những vần ca dao thật quen thuộc về cảnh lao động buổi trưa với nhiều vất vả nhọc nhằn: Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Hiện nay, ta thấy nhiều người Việt (cả ở nông thôn lẫn thành thị) vẫn giữ thói quen ngủ trưa (sau khi ăn xong và thức dậy trước giờ làm việc buổi chiều). Tuy thế, trong dân gian lại có những câu tỏ ý chê trách những người ngủ trưa: Chè hâm lại, gái ngủ trưa; Giàu đâu những kẻ ngủ trưa/ Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày. Chúng tôi cho rằng, việc ngủ trưa/ nghỉ trưa đối với những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam là cần thiết, bởi khí hậu nhiệt đới dễ dẫn tới cảm giác buồn ngủ vào buổi trưa. Người ta chỉ cần được chợp mắt 15-20’ cũng sẽ là rất tốt cho năng suất và hiệu quả lao động của buổi chiều.

Khoảng thời gian buổi trưa thường gắn liền với không gian khá yên tĩnh, đặc biệt ở vùng nông thôn. Cả ba nhà thơ của phong trào Thơ Mới là Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ đều có những vần thơ tả buổi trưa ở nông thôn và đều lấy tên tác phẩm của mình là Trưa hè. Cả ba bài trưa hè đều thiên về miêu tả, song Bàng Bá Lân và Anh Thơ dường như cốt lấy động để hiện tĩnh, còn Nguyễn Bính thì như muốn phá đi cái tĩnh vẫn thường hằng trong những buổi trưa ở nông thôn: Dưới gốc đa già trong vũng bóng/ Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai/Ve ve rung cánh ruồi say nắng/Gà gáy trong thôn những tiếng dài (…) Quán cũ nằm lười trong sóng nắng/ Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu/Nghe mồ hôi chảy đấm như tắm/ Đứng lặng trong mây một cánh diều (Trưa hè – Bàng Bá Lân), Trời trong biếc không qua mây gợn trắng/ Gió nồm nam thổi lộng cánh diều xa/Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua/ Trong thôn vắng tiếng gà xao xác gáy/ Các bà già đưa võng hát, thiu thiu/ Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy/ Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu (Trưa hè – Anh Thơ). Cảnh trưa hè ở nông thôn Bắc Bộ hiện ra trong thơ của Bàng Bá Lân và Anh Thơ có nhiều nét tương đồng, đậm chất hội họa. Ngoài sự vắng vẻ, yên tĩnh như ngưng đọng lại của không gian, các sự vật hiện tượng được miêu tả hiện lên với nhiều sự tương đồng. Bàng Bá Lân tả về ve thì Anh Thơ tả về bướm, chuồn chuồn. Trưa hè trong thơ Bàng Bá Lân có “ruồi say nắng” thì Anh Thơ cũng có “ruồi rạc nắng hết hơi kêu”. Bàng Bá Lân tả tiếng gà gáy thì Anh Thơ cũng tả tiếng gà gáy. Thơ Bàng Bá Lân có hình ảnh bà già thiu thiu ngủ thì Anh Thơ cũng có quan sát y như vậy. Có thể cảm nhận, đó là những hình ảnh rất đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ Việt Nam những năm thuộc nửa đầu thế kỷ XX. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã xếp các thi sĩ Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nam Trân, Thu Hồng vào nhóm thơ tả chân. Nói cách khác, thơ của các cây bút vừa nhắc có chất hội họa nổi trội, chất tâm trạng, miêu tả nội tâm con người thì không nhiều. Trở lại với buổi trưa hè trong thơ Nguyễn Bính, ta thấy thi sĩ chân quê có cách tiếp cận và miêu tả khác hẳn Bàng Bá Lân và Anh Thơ. Bàng Bá Lân và Anh Thơ phân tán sự chú ý ra nhiều sự vật với những điểm nhìn thay đổi liên tục, trong khi Nguyễn Bính chỉ tập trung vào một điểm nhìn, đó là đoàn người đi vào cánh đồng. Nếu như Bàng Bá Lân và Anh Thơ tập trung khai thác tính chất “tĩnh” của trưa hè thì Nguyễn Bính lại khai thác tính chất “động” của trưa hè: Trưa hè một buổi nắng to/Gió tây nổi, cánh đồng ngô rào rào/Con đường thấp, con đê cao/ Bọn người đi chợ rẽ vào đồng ngô/Tiếng cười chen tiếng nói to/ Dáng chừng trong bọn có cô chưa chồng.

Trong nỗi nhớ của nhiều thi sĩ, buổi trưa hè là một ám ảnh trở đi trở lại. Với Tế Hanh, ông nhớ những buổi trưa hè nắng soi xuống mặt sông: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng (…) Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây/Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy (Nhớ con sông quê hương). Với một số thi sĩ khác, cái ám ảnh họ về một buổi trưa nông thôn chỉ có thể là tiếng gà. Trong thơ Lưu Trọng Lư, tiếng gà trưa ấy chứa đựng những nỗi niềm buồn thương về bóng hình người mẹ nay chỉ còn trong ký ức. Tiếng gà như có cả nỗi xót xa bởi cái cô đơn và bơ vơ mang bóng hình thời đại, thể hiện chất buồn bã đặc trưng của Thơ Mới: Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không (Nắng mới). Cho đến khổ cuối của bài thơ Nắng mới, ta gặp lại ánh nắng trưa hè tươi vui ấm áp hơn, nhờ nụ cười của người mẹ: Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Cho đến thời chống Mỹ, thơ Xuân Quỳnh lại có những tiếng gà trưa vọng về tuổi thơ. Nhưng giọng điệu sắc thái, âm hưởng đã không còn vương vất cái nỗi buồn của thời Thơ Mới nữa mà giàu sự lạc quan, tin tưởng và ấm áp một tình yêu quê hương, một nỗi nhớ nhung trìu mến hình ảnh người bà hiền hậu: Trên đường hành quân xa/ Dừng chân bên xóm nhỏ/ Tiếng gà ai nhảy ổ/ “Cục…cục tác cục ta”/Nghe xao động nắng trưa/Nghe bàn chân đỡ mỏi/Nghe vọng về tuổi thơ/Tiếng gà trưa/Ổ rơm hồng những trứng(…) Tiếng gà trưa/Mang bao nhiêu hạnh phúc/ Đêm cháu về năm mơ/Giấc ngủ hồng sắc trứng/Cháu chiến đấu hôm nay/ Vì lòng yêu tổ quốc/ Vi xóm làng thân thuộc/Bà ơi cũng vì bà/Vì tiếng gà cục tác/Ổ trứng hồng tuổi thơ (Tiếng gà trưa).

Tiếng gà trưa còn đi vào trong cả những bài hát của Trịnh Công Sơn. Có những tiếng gà trưa nhắc nhớ thân phận bơ vơ bé nhỏ của con người, lại có những tiếng gà trưa trong trẻo của một nỗi nhớ vọng từ ký ức: Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/Chợt như phố kia không người/ Còn lại tôi bước hoài (Lời thiên thu gọi), Em ra đi nơi này vẫn thế/ Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ/Vườn xưa vẫn có tiếng me ru/Có tiếng em thơ/Có chút nắng trong tiếng gà trưa (Em còn nhớ hay em đã quên). Buổi trưa trong ca khúc Việt còn phải nhớ tới một Giấc mơ trưa (Giáng Son – Nguyễn Vĩnh Tiến) với giai điệu và lời ca trong trẻo tinh khôi, rưng rưng một miền hoài niệm: Từng dấu chân xưa trên đường em về/Giờ đã ra hoa những cành hoa vắng/Người đã đi qua những lời em kể/Này giấc mơ trưa bao giờ em về…

Từ một góc nhìn khác, buổi trưa đi vào hai bài thơ của Hồ Chủ tịch trong tập Nhật ký trong tù với một tinh thần cách mạng lạc quan vô bờ bến, thể hiện bản lĩnh ung dung tự tại của người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ Ngọ (Buổi trưa) tả về giấc ngủ khoan khoái của Bác: Trong tù khoan khoái giấc ban trưa/ Một giấc miên man suốt mấy giờ/Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ (Nam Trân dịch). Nếu như bài thơ trưa thứ nhất nói về việc ngủ thì bài thơ trưa thứ hai nói về việc thức, thể hiện phong thái ung dung cao nhã và một khát vọng tự do của một tâm hồn lãnh tụ, một chiến sĩ và cũng là một thi sĩ: Hai giờ ngục mở thông hơi/ Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do/Tự do tiên khách trên trời/ Biết chăng trong ngục có người khách tiên (Ngọ hậu, Nam Trân dịch).

Trong dân gian, có một câu thành ngữ quen thuộc, ngụ ý về những thời điểm dễ nảy sinh cảm hứng luyến ái nam nữ: “Nhất buổi trưa, nhì trời mưa”. Nhưng đó chỉ là cách nhìn nhận và diễn đạt của dân gian. Còn khi buổi trưa đi vào những câu thơ viết cho tình yêu đôi lứa thì người thi sĩ khiến chúng ta phải mềm lòng bởi một nỗi bâng khuâng xao xác, vừa nhớ nhung tiếc nuối, vừa day dứt khôn nguôi. Cái nỗi chênh vênh giữa tình cũ và tình hiện tại được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gói ghém trọn trong bốn câu thơ, được nhiều người cho rằng đây là bài thơ tình hay nhất của ông: Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Thấy hồn mình tách thành hai nửa/Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa…(Không đề).

Đỗ Anh Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/trua-luan-tintuc439528