Trụ trì chùa Tây Thiên 'tố' bị cô lập, mất kiểm soát tiền công đức

Đằng sau sự yên bình, thanh tịnh của ngôi cổ tự danh tiếng Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), có thể đang là những đợt sóng ngầm đáng báo động...

Những hòm tiền công đức được đặt khắp nơi trong chùa. Ảnh: PV

Trụ trì chùa kêu cứu

Phản ánh tới Báo Lao Động, sư thầy Thích Đàm Phú - trụ trì chùa Tây Thiên - cho biết, là người giữ vị trí cao nhất trong chùa, nhưng những năm gần đây, sư thầy không biết nguồn thu khổng lồ từ các hòm tiền công đức của khách thập phương đã và đang được sử dụng vào việc gì?...

Theo sư thầy, các vị sư khác trong chùa đã tùy tiện, khuất tất trong việc quản lý, cố ý không báo cáo, không công khai, minh bạch nguồn tài chính. Tuy sư thầy Thích Đàm Phú đã nhiều lần ý kiến, yêu cầu được giải thích nhưng đến nay vẫn không nhận được trả lời. Bên cạnh đó, tình hình tại ngôi chùa ngày càng thêm phức tạp khi gần đây xuất hiện các vị sư lạ mặt tự do đi lại không xin phép, không báo cáo, tùy tiện ăn ở, tự do thu lễ, tự do kiểm đếm, thu nhặt tiền công đức...

Sư thầy Thích Đàm Phú - Trụ trì chùa Tây Thiên - thông tin với PV về những bất ổn tại chùa.

Vị trụ trì cũng bức xúc cho biết, gần đây nhất, đầu tháng 3 có ngày Kỵ nhật giác linh là ngày lễ của người đã đứng ra xây dựng nền móng để phát triển danh thắng Phật giáo Tây Thiên, nhà chùa đã ân cần mời thỉnh các sư lễ cúng Phật cúng giỗ nhưng các sư nhất quyết không nghe mà chỉ chăm chú vào việc thu nhặt tiền, mở hòm công đức để tư túi mà không được sự đồng ý của trụ trì.

Ngày 4.3 vừa qua, sư thầy Thích Đàm Phú đã gửi đơn tới hàng loạt cơ quan chức năng bộc bạch nỗi niềm và đề nghị được giúp đỡ, hòng sớm lấy lại sự ổn định của chùa.

Bác bỏ tất cả

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ni sư Thích Bảo Tâm - Phó ban Trị sự Phật giáo huyện Tam Đảo, Trưởng ban quản trị Sơn Môn Tịnh Thất Tây Thiên - gần như bác bỏ toàn bộ các phản ánh từ sư thầy Thích Đàm Phú. Ni sư Tâm cho hay, từ khi chùa Tây Thiên được thành lập năm 1994, các sư sống với nhau rất hòa thuận và bình an. Chùa đã lập ra Ban quản trị và Ban tài chính để quản lý rạch ròi tiền công đức cũng như những chi tiêu trong chùa. Tất cả số tiền thu về được chỉ dành để xây dựng thêm các chùa và cơ sở vật chất trong chùa chứ cũng không có chuyện chi tiêu vào việc gì khác kể cả việc ăn ở, đi lại của các sư trong chùa.

“Các sư, các chúng trong chùa được du khách thập phương lo cho hết, gạo được cấp cho đủ ăn, quần áo cũng được cấp cho đủ mặc, thuốc thì đi bệnh viện các bác sĩ không lấy tiền. Chính vì vậy mà những khoản tiền mà nhà chùa thu lại được từ tiền công đức và tiền ủng hộ của du khách thập phương chỉ tập trung cho xây dựng” - Ni sư Thích Bảo Tâm khẳng định.

Mỗi ngày chùa Tây Thiên đón hàng ngàn du khách đến thăm quan.

Nói về những khoản chi tiêu không có giấy tờ, sổ sách, Ni sư Thích Bảo Tâm cho biết, các sư trong chùa đều có tư tưởng sống rất cộng đồng, sống tập thể, quản lý chung không ai giữ tiền riêng, giữ đệ tử riêng nên các khoản chi tiêu không cần giấy tờ, chứng nhận gì.

“Khi trụ trì Thích Đàm Phú muốn tách chùa Thượng trong chùa Tây Thiên ra, không muốn phụ thuộc vào nội quy và thanh quy của chùa nữa thì chúng tôi đã gọi sư Phú về bàn bạc, nếu cần gì thì nói với nhà chùa để thảo luận nội bộ, cùng giải quyết nhưng nhất định sư Phú không về” - Ni sư Thích Bảo Tâm cho biết thêm.

Về những bất ổn trong chùa, sư thầy Thích Thanh Tịnh - Chánh Thư ký Hội Phật giáo huyện Tam Đảo, Phó ban Thường trực ban quản trị chùa Sơn Môn Tịnh Thất Tây Thiên cho biết, hiện tại tất cả các công trình xây dựng của chùa vẫn còn dang dở vì từ khi bắt đầu tiếp quản thì chùa còn rất hoang sơ. Khi bắt đầu có tài chính thì chùa tập trung vào xây dựng toàn bộ phần sân chùa, cổng Tam Quan, làm thêm nhà Tổ và động Quan Thế Âm. Không chỉ động Quan Âm, cho đến nay thì các công trình khác vẫn chưa được hoàn thiện, vẫn còn đang xây dựng là do vấn đề tài chính và những sự bất ổn trong chùa khiến cho việc bị chững lại.

“Thông tin trụ trì Thích Đàm Phú bị cô lập là hoàn toàn sai sự thật. Trong chùa có tất cả 150 thành viên, trong đó 120 người là thành viên chính thức, còn lại 30 người là đang trong quá trình thử thách. Tất cả mọi thành viên đều phải sống trong giới luật, theo tinh thần tập thể chứ không riêng gì thầy Phú. Theo như luật nhà chùa nếu đi đâu phải báo cáo với Ban trị sự về công việc và được cử người đi cùng. Sau một thời gian, thầy Phú đi những công việc nhỏ nhặt, không chính đáng, khi trình lên thì nhà chùa không cho đi. Chính vì không được cho đi nên thầy Phú liên hệ với các sư bên ngoài và lại tự đi một mình rồi về nói là bị “cô lập” - sư thầy Thích Thanh Tịnh giải thích.

Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.

LONG NGUYỄN - PHẠM ĐÔNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tru-tri-chua-tay-thien-to-bi-co-lap-mat-kiem-soat-tien-cong-duc-595597.ldo