Trụ trì chùa Nga Hoàng bị tố gạ tình PV: Mức kỷ luật quá nhẹ?

Nếu những hành vi gạ tình nữ phóng viên như báo chí đưa tin có căn cứ thì việc kỷ luật sám hối Đại Tăng, đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng của Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian 3 tháng như đề xuất là quá nhẹ.

Dù chỉ là một trong những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng hành vi của Đại đức Thích Thanh Toàn, Trụ trì chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc) gạ tình phóng viên đang làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật, đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của Phật giáo.

Thoạt đầu, khi những thông tin xuất hiện trên mặt báo, nhiều người đã không thể tin được, Đại đức Thích Thanh Toàn lại có hành vi trái giới luật nghiêm trọng đến như thế. Không ai có thể tin rằng, một nhà sư lại có hành vi “gạ tình” đối với phụ nữ. Càng không ai có thể ngờ được, một nhà sư lại có thể đòi “quan hệ tình dục”, sư Toàn gạ phóng viên chat sex, đòi gửi hình ảnh hở hang đến những hành động dùng tay vuốt vào phần nhạy cảm trên cơ thể nữ phóng viên, thậm chí khi trên xe ô tô với nữ phóng viên, nhà sư còn lao vào, đòi cởi quần áo nữ phóng viên để “quan hệ” và kéo quần, tự thỏa mãn khi không đạt được mục đích.

Nhưng rồi tất cả phải “sốc” khi đoạn clip minh chứng rõ ràng cho hành vi bỉ ổi của nhà sư được cơ quan báo chí đăng tải nhằm khẳng định những lời tố của phóng viên đều có căn cứ.

Nếu những hành vi gạ tình nữ phóng viên như báo chí đưa tin có căn cứ thì việc kỷ luật sám hối Đại Tăng, đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng của Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian 3 tháng như đề xuất là quá nhẹ.

Nếu những hành vi gạ tình nữ phóng viên như báo chí đưa tin có căn cứ thì việc kỷ luật sám hối Đại Tăng, đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng của Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian 3 tháng như đề xuất là quá nhẹ.

Những hành vi của sư Thích Thanh Toàn không chỉ vi phạm giới luật mà còn là hành vi lệch chuẩn văn hóa của người tu đạo. Hành vi ấy cũng như Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái, cũng như Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ nữ sinh và cũng như nhiều kẻ biến thái khác bị dư luận từng nhiều lần phê phán.

Đánh giá về hành vi của Đại đức Thích Thanh Toàn, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, bản thân ông rất ngạc nhiên vì hành động của nhà sư.

Bởi Đại đức Thích Thanh Toàn vốn là một người đã xuất gia, thậm chí đã nhiều năm tu tập lên đến chức Đại đức. Người xuất gia vốn đã xuất ly ra khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật giải thích ý nghĩa “xuất gia” chính là cạo bỏ râu tóc, làm bậc Sa môn, tiếp nhận lấy đạo, rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm.

Người xuất gia là người luôn lập hạnh sống đời thanh tịnh, diệt trừ phiền não, nhiếp phục ma quân, trên đền đáp bốn ân và dưới cứu khổ ba đường như Tổ Quy Sơn đã dạy.

Theo quan điểm Phật giáo, đức Phật giải thích rất ngắn gọn rằng một Tỳ kheo được gọi chính thức với sự đầy đủ giới hạnh. Nói cách khác, một tu sĩ chân chính không những xa rời sự tham dục và những trạng thái xấu ác; mà còn thể nhập vào 4 trạng thái của thiền định. Người tu sĩ như thế đáng được kính trọng và được gọi là vị tu sĩ chân chính.

Hơn nữa, vị Tỳ kheo nên làm những công việc đáng làm như: tu tập về đức tính tàm quý, thân-khẩu-ý thanh tịnh, mạng sống thanh tịnh, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, chánh niệm và tỉnh giác; và phải sống như hòn đảo của chính mình, hãy nương tựa chính mình, không nương tựa ai khác, … để giải thoát mọi tham dục và phiền não thông thường ở đời.

Như vậy, người đi tu chịu sự điều chỉnh của giới luật đó là điều cần thiết nhất cho người xuất gia vì “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp. Giới luật còn thì Phật pháp còn”, giới luật là những điều ngăn cấm từ kim khẩu của Phật thuyết chế ra thành giới pháp, giới tướng để các chúng đệ tử Phật thực hành giới hạnh, nghiêm trì giới đức nhằm ngăn ngừa tất cả tội lỗi và giữ nhân phẩm gìn thân khẩu ý được thanh tịnh. Nhờ giữ giới mà được định tâm, nhờ định tâm mà phát sinh trí tuệ giác ngộ.

Cho nên người xuất gia cần phải tôn nghiêm giới luật như là vị đạo sư của mình để ứng dụng xây dựng đạo pháp dân tộc.

Điều đáng buồn hơn, trước khi bị tố gạ tình nữ phóng viên, quá trình tu tập của nhà sư Thích Thanh Toàn cũng khiến những người tu tập phiền lòng.

Cụ thể, theo Đại đức Thích Thanh Phương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo cho biết, Đại đức Thích Thanh Toàn đã nhiều lần vi phạm các Nội quy Ban Tăng sự và quy định về trật tự xây dựng, quy định bảo vệ rừng. Đại đức Thích Thanh Toàn đã bị Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo kỷ luật cảnh cáo. Những năm gần đây, Tu sĩ Thích Thanh Toàn thường ít sinh hoạt tại Ban Trị sự địa phương. Thậm chí có biểu hiện thực hành tà đạo không đúng với đường lối tu hành Đạo Phật.

Còn như lời Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại đức Thích Thanh Toàn đã từng bị trục xuất khỏi Thiền viện và không còn là người của tông môn Thiền phái Trúc Lâm từ năm 2008.

Trước những hành vi vi phạm giới luật nghiêm trọng như trên, Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo đã đề xuất kỷ luật Đại đức Thích Thanh Toàn phải sám hối Đại Tăng. Yêu cầu nhà sư viết kiểm điểm tường trình sự việc mà Báo Phụ nữ TPHCM đã nêu ngày 23/9/2019, kiểm điểm toàn bộ quá trình tu tập, sinh hoạt tại chùa Nga Hoàng. Đình chỉ chức vụ Trụ trì chùa Nga Hoàng của Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian 3 tháng. Sau đó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xem xét.

Tuy nhiên dư luận cho rằng, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc cần xác minh làm rõ những thông tin liên quan đến hành vi của Đại đức Thích Thanh Toàn như báo chí nêu. Nếu vi phạm nghiêm trọng giới luật thì căn cứ vào mức độ vi phạm giới luật để xử lý nghiêm theo quy định của Giáo hội, thậm chí khai trừ ra khỏi Giáo hội, chứ không thể xử phạt qua loa để dung dưỡng cho những hành vi không chỉ vi phạm giới luật mà còn vi phạm pháp luật.

Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có tinh thần yêu nước, luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước trong quá trình phát triển. Đồng thời, trong suốt thời gian qua, với tư cách là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đề cao chủ trương Đạo Pháp đồng hành cùng dân tộc, chủ nghĩa xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa. Cùng với đó, với vai trò là một tôn giáo lớn của đất nước, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo còn góp phần xây dựng niềm tin và sự tự tin của con người, dân tộc Việt Nam.

Bởi vậy, dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng cũng không thể chấp nhận một nhà sư có hành vi lệch chuẩn đạo đức, trái giới luật, pháp luật gây ra những điều tiếng xấu làm ảnh hưởng đến uy tín Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng nhân dân, Phật tử cả nước.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tru-tri-chua-nga-hoang-bi-to-ga-tinh-pv-muc-ky-luat-qua-nhe-1281509.html