Trụ sở tòa soạn báo Tiếng Dân được công nhận là di tích lịch sử

Ngày 26/4, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ công bố quyết định, đón nhận bằng xếp hạng trụ sở báo Tiếng Dân (số 193 Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế) là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ (phải) trao bằng xếp hạng di tích trụ sở báo Tiếng Dân cho Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ (phải) trao bằng xếp hạng di tích trụ sở báo Tiếng Dân cho Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế.

Đây là di tích lưu niệm sự kiện cấp tỉnh, thuộc sự quản lý của Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế. Hiện di tích còn lưu giữ được hai khu nhà cũ (trong đó có một khu nhà hai tầng) với lối kiến trúc Pháp từng là nơi tòa soạn báo Tiếng Dân làm việc.

Với trách nhiệm và tâm huyết của những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu, giữ gìn những giá trị lịch sử cũng như nguyện vọng của đông đảo người dân thành phố Huế, đồng thời từ những căn cứ xác thực của lịch sử và những gì còn lưu lại trên thực tế, Bảo tàng Lịch sử đã có những bước đi thích hợp để chứng minh những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi nhà 193 Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với cuộc đời và quá trình hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước; cũng là nơi gắn liền với sự ra đời, tồn tại và kết thúc của báo Tiếng Dân - tiếng nói phản kháng của người dân Trung Kỳ đối với chính quyền thực dân, phong kiến

Ngày 4/6/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) trụ sở tòa soạn báo Tiếng Dân là di tích cấp tỉnh. Đây là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử này.

Trụ sở báo Tiếng Dân được chụp lại khi đang còn hoạt động - Ảnh:TL

Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, hoạt động từ năm 1927 tới 1943, là một trong những tờ báo quốc ngữ đầu tiên tại khu vực miền Trung, có vai trò chính trị quan trọng, gây ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung. Tiếng Dân trở thành tờ báo lâu năm nhất (17 năm) ra được 1.766 số, phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung Kỳ.

Tiếng Dân là một trong những tờ báo tiêu biểu của báo chí yêu nước cách mạng, phản ánh lại một cách trung thực không khí, đời sống chính trị trong nữa đầu thế kỷ XX và đã thực sự có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa miền Trung, cho Huế, cho báo chí Việt Nam.

Qua báo, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, trụ sở báo còn là nơi được cụ Huỳnh Thúc Kháng mở thành ký túc xá để sinh viên Quảng Nam ra Huế trọ học.

PV

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tru-so-toa-soan-bao-tieng-dan-duoc-cong-nhan-la-di-tich-lich-su-n13285.html