Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân được công nhận là di tích lịch sử

Ngày 26/4, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Tòa soạn Báo Tiếng Dân, tại số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao bằng xếp hạng di tích trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân cho ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế. Ảnh: PV

Đây là di tích lịch sử, lưu niệm sự kiện cấp tỉnh, thành phố, thuộc sự quản lý của Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế. Hiện di tích còn lưu giữ được hai khu nhà cũ (trong đó có một khu nhà hai tầng) với lối kiến trúc Pháp từng là nơi tòa soạn báo Tiếng Dân làm việc.

Bên trong hiện bố trí nhiều ngăn tủ kính để trưng bày những tư liệu, bản báo in của báo Tiếng Dân phục vụ du khách đến tham quan.

Trụ sở Báo Tiếng Dân trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: PV

Ngày 10/8/1927, Báo Tiếng Dân - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền trung ra số đầu tiên, do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, Đào Duy Anh làm thư ký Tòa soạn. Báo Tiếng Dân phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung Kỳ, có vai trò chính trị quan trọng, gây ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung. Hoạt động từ năm 1927 đến ngày 24/4/1943, hơn 16 năm hoạt động Báo Tiếng Dân bị chính quyền thực dân buộc đình bản sau khi đã xuất bản 1.766 số.

Trụ sở báo Tiếng Dân được chụp lại khi đang còn hoạt động. Ảnh: Tư liệu

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Tiếng Dân là tờ báo tiếng Việt khổ lớn đầu tiên ở miền trung. Là tờ báo tiến bộ của trí thức và tiểu tư sản. Từ năm 1930, sự đóng góp của những người cộng sản như Nguyễn Chí Diễu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Đào Duy Anh… đã khiến tờ báo dần có tư tưởng yêu nước và sau đó trở thành tờ báo cách mạng”.

Cũng tại buổi đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử trụ sở Báo Tiếng Dân, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế cho biết quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố đối với trụ sở báo Tiếng Dân được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành ngày 4/6/2018. Việc công nhận di tích có ý nghĩa trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử này.

Tới đây bảo tàng sẽ cho phục nguyên trụ sở Báo Tiếng Dân để khai thác theo hướng là bảo tàng báo chí thu nhỏ ở Thừa Thiên - Huế. Đồng thời là nơi để các nhà báo ở Thừa Thiên - Huế lui tới đặt câu lạc bộ, sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ” – ông Cao Huy Hùng nói.

Báo Tiếng Dân ra số đầu tiên vào ngày 10/8/2927 do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên kiêm chủ bút, Đào Duy Anh làm thư ký tòa soạn.

Tiếng Dân là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Mặc dù ra đời muộn hơn so với báo chí miền Nam và Bắc, song báo Tiếng Dân đã có vai trò trong việc công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ.

Tờ báo đã tồn tại hơn 16 năm, xuất bản được 1.766 số báo thì bị chính quyền thực dân Pháp đình bản vào ngày 24/4/1943.

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 7/1948) tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, Tổng bí thư Trường Chinh đã đánh giá về 16 năm hào khí của tờ báo Tiếng Dân là: "Thét tiếng dân giữa kinh thành Huế".

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tru-so-toa-soan-bao-tieng-dan-duoc-cong-nhan-la-di-tich-lich-su-post61035.html