Trụ sở Thành ủy Đồng Hới - Quảng Bình có dấu hiệu nứt: Tranh cãi do gạch hay phương án thi công

Là một trong ba công trình trọng điểm ở TP Đồng Hới, việc trụ sở Thành ủy xuất hiện vết nứt chưa rõ nguyên nhân khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân nứt do vật liệu xây dựng hay phương án thi công, giám sát đang có sự tranh cãi.

Trụ sở Thành ủy Đồng Hới đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Chỉ nứt ở mảng tường gạch không nung

Công trình trọng điểm trụ sở Thành ủy Đồng Hới được Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Công văn số 63/TTHĐND ngày 05/9/2016, điều chỉnh tại Công văn số 41/HĐND-VP ngày 05/5/2017, với tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng, thuộc nhóm B, sử dụng nguồn vốn bán trụ sở cũ, nguồn ngân sách thành phố, nguồn bán đấu giá quyền sử dụng đất của dự án hạ tầng kỹ thuật phát triển quỹ đất trên địa bàn.

Đại diện Thành ủy Đồng Hới cho hay, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc, suất vốn đã bố trí trên 100 tỷ đồng. Do nhu cầu cấp thiết về chỗ làm việc, tòa nhà đã được vận hành từ tháng 3/2019.

Trước thông tin công dân phản ánh, cơ quan Thành ủy Đồng Hới sau khi thành lập hội đồng kiểm tra hiện trạng công trình đã có báo cáo gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình.

Theo Công văn số 284-BC/TU do Thành ủy Đồng Hới lập ngày 25/9/2019 nêu rõ: Theo hồ sơ thiết kế được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt, công trình được thiết kế khung bê-tông cốt thép toàn khối chịu lực; móng cọc bê-tông cốt thép; tường bao xung quanh công trình xây gạch nung, tường ngăn trong các phòng xây gạch không nung. Qua kiểm tra của các đơn vị liên quan, xác minh cụ thể như sau: Tại khu nhà làm việc xuất hiện các vết nứt nhỏ xảy ra ở một số vị trí tiếp giáp giữa tường và trụ, các đầu cửa đi, cửa sổ. Các vết nứt chỉ xuất hiện ở mảng tường xây gạch block không nung. Đặc biệt có 1 vị trí tại nhà hội trường, vết nứt hở rộng 1-2mm tiếp giáp giữa tường xây gạch block và sàn bê-tông cốt thép.

Nguyên nhân là do thay đổi thời tiết từ nắng nóng kéo dài sang mùa mưa, làm ảnh hưởng đến sự co giản về nhiệt của vật liệu gạch không nung. Các tường bao quanh tòa nhà xây dựng bằng gạch nung không có hiện tượng nứt nẻ. Như vậy, tường bị nứt theo các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định chất lượng công trình, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công kiểm tra thì không phải do chất lượng công trình thi công không đảm bảo mà do sự co giãn nhiệt đối với vật liệu gạch không nung… Như vậy, chất lượng trụ sở Thành ủy được xây dựng đến nay đảm bảo chất lượng theo quy định.

Các vết nứt được đục ra để trám chất kết dính.

Tranh luận trái chiều

Hư hỏng công trình xây dựng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các nhà thiết kế xây dựng và khai thác sử dụng công trình. Sau mỗi sự cố, dư luận lại lên tiếng và luôn có những băn khoăn về chất lượng thiết kế, thi công, giám sát, quản lý. Yêu cầu này là chính đáng và cần được quan tâm.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết: Trụ sở Thành ủy được xây kết hợp giữa hai loại gạch gồm tuynel và gạch không nung. Các vết nứt xuất hiện có thể từ nhiều nguyên nhân như xây chưa đúng quy trình, vữa xây chưa liên kết, lún móng, còn vấn đề gạch không nung tự nứt vỡ cần được xem xét thận trọng.

Về nội dung các mảng tường công trình trụ sở Thành ủy do đâu lại được xây từ 02 loại gạch, Phòng Hoạt động Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) giải đáp: Trước đấy, tại Quyết định phê duyệt dự án số 3463/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh phê duyệt toàn bộ tường ngăn ngoài và trong công trình đều sử dụng gạch không nung. Đến tháng 2/2017, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn số 524/VPUBND-XDCB về việc truyền đạt ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đồng ý chủ trương cho phép sử dụng gạch tuynel đối với các tường xây bao che phía ngoài 02 công trình trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới và trụ sở làm việc UBND-HĐND TP Đồng Hới như đề xuất của TP Đồng Hới. Sở Xây dựng phải thực hiện điều chỉnh vật liệu xây, tỷ lệ gạch không nung và gạch nung áp dụng là 50:50.

Cùng đó, tại một cuộc thảo luận khác về công năng và khiếm khuyết của gạch không nung trong thực tiễn, ông Hoàng Minh Thái - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình thẳng thắn chia sẻ: Tôi là người theo sát chương trình phát triển gạch không nung tại địa phương từ khi Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Ước tính mỗi năm sản xuất gạch không nung sẽ tiết kiệm được 20km2 đất nông nghiệp, tương ứng với 1 xã, phường trên đất nước không bị xóa sổ. Gạch bê-tông cốt liệu là sản phẩm xây dựng từ sự tiến bộ của khoa học thế giới, nhiều nước đã áp dụng đại trà. Tại Việt Nam, để ứng dụng sản phẩm này vào thực tế quả lắm gian nan. Ở Quảng Bình, hiện có 13 cơ sở sản xuất gạch không nung, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, bắt đầu định hình ý thức tiêu dùng, nhưng ở khách hàng, giới nhà thầu vẫn có hai chiều hướng đối lập, chuộng và bài trừ loại gạch này.

Do vậy, khi công trình có dấu hiệu hư, nứt tách, cần đến giới chuyên gia xây dựng chuyên rà soát lỗi, chỉ rõ nó là lỗi gì để còn khắc phục, dẫu biết là mất thời gian. Chứ tầm 20 năm trước, dân ta đã đúc viên táp-lô để xây nhà, đấy cũng là gạch không nung, không thấy hư hao gì nhiều.

Dư luận băn khoăn, gạch đầu vào hay phương án thi công, giám sát có vấn đề.

Sau nhiều phản ánh về những công trình vốn ngân sách có sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có dấu hiệu nứt nẻ khi hoàn thiện. Nhiều kiến giải đã được chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng, giới kỹ thuật không chuyên đưa ra nhưng cuối cùng vẫn chưa tìm được nguyên nhân để hạn chế lỗi.

Và nếu cứ tiếp tục tranh cãi mà cơ quan chuyên môn không tiến hành thực nghiệm, soát lỗi thì có thể nhiều công trình khác nữa trên địa bàn tỉnh này lại lâm vào nứt gãy, niềm tin của cư dân vào vật liệu xây không nung dần xóa mờ.

Nhất Linh - Phương Dung

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/tru-so-thanh-uy-dong-hoi-quang-binh-co-dau-hieu-nut-tranh-cai-do-gach-hay-phuong-an-thi-cong.html