Trụ sở 'đất vàng', sử dụng không hiệu quả

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, rất nhiều trụ sở làm việc của cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả. Thậm chí, có những cơ quan đã được xây dựng ở những vị trí mới nhưng vẫn không trả trụ sở cũ.

Ngày 26/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Cơ quan xây dựng ở vị trí mới nhưng không trả trụ sở cũ

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội), những lãng phí trong việc đầu tư công, triển khai thực hiện các dự án chậm mà cử tri và Nhân dân phản ánh là rất lớn. Khi chúng ta thực hiện giải ngân đầu tư công chậm, đây sẽ là việc gây lãng phí khi chúng ta đã huy động tiền vốn. Chúng ta đã phải trả lãi tiền vốn đó, nhưng vốn đấy cứ để ở trong Kho bạc, trong ngân hàng, không giải ngân được, không đưa vào công trình. Đấy là phần lãng phí do việc chúng ta phải trả tiền lãi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại phiên họp

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại phiên họp

Khi công trình triển khai mà chậm tiến độ, toàn bộ vốn đưa vào công trình đó không trở thành tài sản đưa vào sử dụng. Như vậy, chúng ta vẫn trả tiền lãi cho toàn bộ vốn huy động này. Đấy là phần lãng phí của xã hội. Những công trình triển khai không đúng tiến độ lại kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy lại gây ra lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan. Đây là một phần lãng phí rất lớn.

Cùng đó, có những dự án đầu tư xong không có hiệu quả hoặc là hiệu quả không cao. Điển hình, tại nhiều tuyến đường, công trình làm việc này thì đào lên lấp xuống, ngày mai công trình khác lại đào lên lấp xuống. Đó chính là những lãng phí do chúng ta không có sự phối hợp, không có sự tính toán.

Bên cạnh đó, rất nhiều trụ sở làm việc của cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả. Thậm chí, có những cơ quan đã được xây dựng ở những vị trí mới nhưng vẫn không trả trụ sở cũ. Đó chính là việc tạo ra lãng phí, không phải chỉ phần đất đai đó mà còn mất cơ hội cho những người khác có khả năng khai thác, sử dụng những các nguồn tài nguyên đó tốt hơn.

“Đặc biệt, cử tri và Nhân dân đang bức xúc trong chuyện chúng ta để lãng phí khi tài sản nằm ở các doanh nghiệp nhà nước không có hiệu quả, những doanh nghiệp yếu kém, những doanh nghiệp thua lỗ, điển hình như 12 đại dự án thua lỗ. Khi chúng ta không xử lý được, chúng ta để ở đó thì hằng năm tiếp tục lỗ thêm, tài sản tiếp tục hư hỏng. Đó sẽ là một lãng phí vô cùng lớn của xã hội” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại phiên họp

Xót xa đất rộng bỏ hoang hóa

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng: Về lãng phí, có những việc thấy được, có những việc đo, đếm được, nhưng rất nhiều việc không thấy được, không đo, đếm được nếu không chú ý. Ví dụ, tôi thấy kỳ lạ là xây, bán nhà xây thô. Tại Quốc hội khóa XIV, tôi đã từng phát biểu, tại sao lại bán nhà xây thô? Tôi đi khắp nơi thấy ai cũng đập, cũng phá, xây lại, sửa sang, vô cùng lãng phí.

Cùng đó, việc tổ chức làm đường ở các thành phố lớn nằm trong nội đô. Chúng ta có thể đo đếm được sắt thép, kinh phí đầu tư bao nhiêu, nhưng không đo đếm được chủ đầu tư gây chậm trễ cho hàng vạn người tham gia giao thông đi trên các tuyến đường đó, mỗi người chậm 5 phút, 10 phút buổi sáng giờ làm việc đã vô cùng lãng phí. Đây là điểm không đo đếm được và thực tế lại rất phổ biến ở Việt Nam.

“Thậm chí, xót xa vô cùng khi thấy có những mảnh đất rất rộng, bỏ hoang hóa 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm, nhân dân cử tri rất bức xúc về chuyện này. Chống lãng phí thì phải gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải là đợi để bắt, xét xử rồi cho vào tù khi họ gây ra lãng phí” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho hay, có nhiều nơi, nhiều người hiểu còn chưa đúng thế nào là tiết kiệm, chống lãng phí. Họ cho rằng chỉ ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ thì chúng ta mới cần tiết kiệm. Có những dự án triển khai tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả chưa tương xứng, khi bị chất vấn thì chủ dự án nêu lý lẽ là không dùng tiền ngân sách mà dùng nguồn xã hội hóa. Dù nguồn ngân sách hay nguồn xã hội hóa cũng đều là nguồn lực xã hội và chúng ta cần phải tiết kiệm. Nếu như chúng ta hiểu chỉ ngân sách mới cần phải tiết kiệm thì đây cũng là một cách hiểu rất là sai lệch.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tru-so-dat-vang-su-dung-khong-hieu-qua-428673.html