Trữ nước, chuyển nước ĐBSCL để giảm rủi ro?

Nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chuyên gia đề nghị Việt Nam phải trữ nước để giảm rủi ro.

Đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, Việt Nam chịu nhiều rủi ro và bị động do nguồn nước phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ.

Trong các con sông bắt nguồn từ Trung Quốc như sông Mekong, sông Hồng, sông Lô, sông Đà... thì sông Mekong phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài nhiều nhất.

Nhiều năm qua, Trung Quốc rồi đến các quốc gia thượng nguồn đã xây dựng nhiều thủy điện trên dòng chính Mekong khiến lượng nước về ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Để giải quyết tình trạng này, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Việt Nam phải thực hiện nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi, đó là: trữ nước, chuyển nước từ nơi thừa đến nơi thiếu.

Một cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bế Tre được ghi nhận hồi tháng 4/2020. Ảnh: TTXVN

Một cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bế Tre được ghi nhận hồi tháng 4/2020. Ảnh: TTXVN

Như ĐBSCL, theo tính toán, với diện tích đất trồng lúa hơn 3 triệu ha thì cần khoảng 60 tỷ m3 nước, mà với lượng mưa ở khu vực này thì thừa sức. Do đó, vấn đề lớn của ĐBSCL là cần phải trữ được nước mưa. Lượng nước mưa này không phụ thuộc vào nước biển dâng, mà là mưa trong lục địa.

"ĐBSCL sẽ khai thác nguồn nước ngọt đến đâu? Dành bao nhiêu cho dân sinh? Hiện nay, đối với vấn đề dân sinh, các kênh cho nước sinh hoạt được tách riêng, không làm chung với kênh tưới lúa. Tuy nhiên, với kênh tưới lúa thì phải tính.

Hiện các kênh rạch ở miền Nam đã trữ nước rồi song mới chỉ trữ theo hệ thống thủy lợi tưới. Để chống xâm nhập mặn, nước biển dâng, giải quyết tình trạng khô hạn cần đặt vấn đề nối các kênh rạch của các tỉnh miền Nam thành một hệ thống, tỉnh nào thừa nước thì chuyển sang nơi thiếu", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Vị chuyên gia thừa nhận đây là một vấn đề lớn, dù về mặt kỹ thuật là có thể làm được, song về mặt tâm lý không phải địa phương nào cũng sẵn sàng chuyển nước sang tỉnh khác. Chưa kể, vẫn có nhiều quan điểm không nên chống mặn, phải coi nước mặn là nguồn tài nguyên để nuôi tôm, cá.

"Nhưng thế giới đã rút ra tổng kết rằng nếu vùng nào không có nước ngọt thì ở đó sẽ không có dân. Nếu ĐBSCL không còn nước ngọt thì người dân sẽ di cư. Cho nên, muốn có dân thì phải có nước ngọt, cần có một chương trình ngọt hóa để người dân có nước sinh hoạt, hoa màu có nước tưới tiêu. Để làm được việc này cần có quyết tâm của Nhà nước và sự chấp hành của các địa phương và người dân", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

Vị chuyên gia thủy lợi cũng nhắc lại nhiều đề xuất làm đập ngăn mặn giữ ngọt ở ĐBSCL tuy nhiên, ông cho rằng đề xuất này không khả thi.

"Tại sao trước đây Hà Lan từng cử một hội đồng khoa học sang giúp Việt Nam lập kế hoạch xây đê bao ven biển Gò Công-Vũng Tàu, nhưng sau họ lại rút? Nguyên nhân sâu xa có liên quan đến nguồn nước mặn. Kinh nghiệm là đối với những vùng nước biển như Việt Nam, Hà Lan thì nguồn nước mặn không phải chỉ đi trên mặt mà còn đi ngầm dưới đất, mà nguồn nước ngầm dưới biển thì rất mạnh. Nếu có làm cửa van đóng lại cũng không thể ngăn được nguồn nước mặn đi ngầm dưới đất này.

Theo một tài liệu của Hà Lan mà tôi tiếp cận được, Rotterdam còn làm cửa van rất lớn, nhưng sau vài năm nước biển xâm nhập vào đã làm rỗng hết đất bên trong.

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận đập ngăn mặn cũng có tác dụng là giảm mặn trước mắt ở trên, nhưng mặn ở dưới thì không giải quyết được. Điều này đối với các nước trồng lúa như Việt Nam càng nguy hiểm vì bộ rễ của lúa cần nước ngọt, khi cắm xuống đất gặp nước mặn lúa sẽ chết. ĐBSCL của Việt Nam là vùng do phù sa bồi đắp nên chắc chắn nước ngầm ở dưới rất mạnh, nếu xây đập ngăn mặn, sau này nước mặn phía dưới xâm nhập, ai chịu trách nhiệm?", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Tại cuộc điều trần về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hôm 17/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông, chiếm tới 63%. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.

Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia. Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng ĐBSCL là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.

Chẳng hạn, khi các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ có tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta, dự báo gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tru-nuoc-chuyen-nuoc-dbscl-de-giam-rui-ro-3417611/