Trụ lớn đồng loạt cắm đầu, VN-Index lùi sát 1.000 điểm

Thị trường bất ngờ 'đổi gió' mà không có yếu tố tác động cụ thể nào. Đồng loạt các blue-chips dẫn dắt quay đầu giảm và càng về cuối phiên càng giảm mạnh...

Thị trường bất ngờ "đổi gió" mà không có yếu tố tác động cụ thể nào. Đồng loạt các blue-chips dẫn dắt quay đầu giảm và càng về cuối phiên càng giảm mạnh, đẩy VN-Index quay lại sát mốc 1.000 điểm.

Yếu tố duy nhất có phần bất lợi trong sáng nay là chứng khoán quốc tế hơi đuối. Chứng khoán châu Á phần lớn là đỏ, nhưng cũng không nhiều, như Nikkei chỉ giảm 0,79%, Thượng Hải giảm 0,49%... Thị trường tương lai của Mỹ có lúc giảm hơn 1% nhưng cũng đã phục hồi trước khi thị trường Việt Nam kết thúc.

Tuy vậy yếu tố quốc tế gần đây đã không còn ảnh hưởng nhiều tới trong nước nữa, nhất là từ khi VN-Index vượt 970 điểm. Thị trường Việt Nam hầu như do dòng tiền dồi dào đẩy tăng liên tục. VN-Index có 4 tuần tăng điểm liên tục. Dù hô nay chỉ số giảm nhưng tháng 11 này vẫn là tháng khác biệt hoàn toàn so với quá khứ, khi hầu hết các tháng 11 trong 10 năm gần đầu đều giảm (trừ 2017). VN-Index tháng 11/2020 đã tăng 8,4%.

Mức độ phân hóa đã kém đi rất nhiều trong nhóm blue-chips VN30 và các mã còn tăng được thì ảnh hưởng rất hạn chế. VN30-Index chốt phiên giảm 0,54% với 9 mã tăng/19 mã giảm. Nhóm tăng có TCB tăng 1,69%, HDB tăng 2,56%, MBB tăng 1,75%, KDH tăng 1,33%, REE tăng 2,1%, VRE tăng 1,62%. Rất tiếc nhóm này không thể kéo VN-Index lên được vì vốn hóa quá hạn chế.

Ngược lại, nhóm dẫn dắt đã giảm đồng loạt, nhiều mã giảm rất mạnh: VCB giảm 1,59%, VIC giảm 1,24%, VNM giảm 1,46%, HPG giảm 2,07%, MSN giảm 2,03%, BID giảm 1,77%, CTG giảm 1,62%, SAB giảm 1,03%. Có tới 8/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường giảm trên 1% như vậy thì VN-Index không có bất cứ cơ hội nào. Chỉ số đóng cửa với mức giảm 0,71% so với tham chiếu và chỉ còn 1.003,08 điểm. Những phút cuối đợt khớp lệnh liên tục thậm chí VN-Index còn rơi xuống 1.002,61 điểm.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không được tốt, chỉ có các mã cá biệt là được đầu cơ đủ mạnh để đi ngược thị trường. Chỉ số Midcap chỉ tăng 0,1%, Smallcap tăng 0,01%. Thế nhưng các mã xuất sắc vẫn được ghi nhận là CVT, HTN, FRT, TPB, APC, FIT, BWE, PLP là kịch trần với thanh khoản cao, các mã khác giao dịch quá ít.

Hiện tượng xả ở nhóm blue-chips là rất rõ ràng phiên này khi hầu hết cổ phiếu đều tăng giá trước rồi mới giảm. VN30-Index đầu phiên tăng 0,45% so với tham chiếu, chỉ 4 mã trong rổ này giảm, còn lại đều tăng. Đến cuối phiên số giảm giá lại gấp đôi số tăng. Rất nhiều cổ phiếu biến động giảm mạnh trong phiên. Tới 9 mã trong VN30 sụt giảm trên 2% trong ngày. Chẳng hạn GAS có lúc tăng tới 3,11% so với tham chiếu nhưng đóng cửa lại mất sạch; HDB từ tăng kịch trần co lại còn tăng 2,56%; VHM đảo chiều từ mức tăng 1,57% thành giảm 0,48%...

Nhóm VN30 cũng gia tăng thanh khoản tới 26% so với phiên trước tính theo giá trị, nhưng giá cổ phiếu hầu hết đảo chiều. Điều này thể hiện lực xả gia tăng và đủ mạnh để thay đổi hướng của giá.

HPG sau phiên đảo chiều tăng trở lại cuối tuần trước, hôm nay lại bị xả đợt mới, thanh khoản tăng 8,4% giá trị khớp lệnh nhưng giá giảm mạnh 2,07%. MSN cũng vừa được bắt đáy hãm đà tăng tuần trước, hôm nay cũng bị xả tăng cường, thanh khoản tăng 30% nhưng giá cũng quay đầu giảm....

Hiện tượng các blue-chips quay đầu giảm có thể khiến VN-Index diễn biến kém tích cực vì chỉ số này khi vượt 1.000 điểm cũng chủ yếu dựa trên nhóm trụ. Các mã trụ sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã bị bán ra nhiều, dù mức tăng trưởng giá rất hạn chế.

Độ rộng của VN-Index là 183 mã tăng/244 mã giảm tức là vẫn có khá nhiều cổ phiếu tăng giá. Khoảng 80 mã tăng trên 1% cho thấy cơ hội vẫn đang tụ ở các cổ phiếu cụ thể. Tuy nhiên khi các blue-chips tỏ ra hết lực thì sớm muộn cũng sẽ đến lượt các cổ phiếu đầu cơ bị chốt lời.

Giá trị giao dịch hai sàn đạt 12.463 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh hơn 10.208 tỷ đồng. Đây là con số giao dịch rất cao. Nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào mua rất ấn tượng. Trong phiên vẫn xuất hiện vài nhịp thị trường cố gắng phục hồi nhưng bất thành. Chẳng hạn gần cuối phiên chiều, VN-Index đã được đưa lên sát tham chiếu, lúc 1h16' chỉ còn giảm dưới 1 điểm. Tuy nhiên lực bán lại xuất hiện ở những thời điểm như vậy và tiếp tục tạo sức ép liên tục đến hết phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 139 tỷ đồng trên sàn HSX, trong đó dồn vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND. VRE cũng được mua khá tốt. Tuy nhiên nhóm VN30 vẫn bị bán ròng khoảng 100 tỷ đồng, với CTG, MBB, HDB xả khá nhiều, cùng với CII, GMD, FRT, HSG, NKG, DCM. Thực tế áp lực bán của khối ngoại không lớn như các tuần trước. Áp lực chủ yếu hiện tại là do nhà đầu tư trong nước thoát hàng.

Lan Ngọc

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tru-lon-dong-loat-cam-dau-vn-index-lui-sat-1000-diem-20201130154848629.htm