'Trừ điểm' trực tiếp trên GPLX: Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải lên tiếng

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng đề xuất 'trừ điểm' trực tiếp vào giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm giao thông là không cần thiết, bởi 'đẻ ra nhiều thủ tục' sẽ làm khó người dân.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm thay vì tước bằng lái có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính rồi trả lại.

Cụ thể, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục CSGT (C08, Bộ Công an), cho biết đơn vị này đang nghiên cứu đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm thay vì tước bằng lái có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính rồi trả lại. Ảnh: T.AN

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, với cơ sở dữ liệu về GPLX được cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Khi bị trừ 50% điểm trên GPLX, chủ sở hữu phương tiện sẽ cận kề nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.

Phó Cục trưởng C08, Bộ Công an cho rằng, trừ điểm GPLX sẽ hạn chế được tiêu cực, người vi phạm nâng cao được ý thức chấp hành tham gia giao thông, luôn cảnh giác với việc sẽ bị tước quyền điều khiển phương tiện. Đơn vị này cũng kiến nghị sửa Luật Giao thông theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến; sửa Luật xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo chứng cứ phải quan trọng hơn thủ tục.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải (HHVT) ô tô Việt Nam bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất của Cục CSGT. Ông Bình nói: “Đừng đẻ ra thêm nhiều thủ tục giấy tờ nữa, Nghị định 46 (Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông- PV) đã nêu rất đầy đủ các điều kiện xử phạt. Nên xử phạt nghiêm theo Nghị định này, thêm nữa chỉ phức tạp ra”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam. Ảnh: NV

Cũng theo ông Thanh, mặc dù đây cũng mới chỉ là đề xuất, nhưng nó liên quan đến điều kiện hoạt động của người dân do đó phải là Thủ tướng Chính phủ cho phép chứ không thể dựa vào Thông tư của Bộ. Việc đề xuất này cũng phải lấy ý kiến nhân dân.

Ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Cục CSGT (Bộ Công an) thường xuyên đề xuất những vấn đề, những chế tài đối với lái xe nhưng có việc đưa ra không được xã hội đồng tình, có việc đưa vào hoạt động nhưng phải dừng lại như bấm lỗ bằng, cấp thẻ cho lái…

Theo ông Bùi Danh Liên, đối với doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải Hà Nội rất hoan nghênh những sáng kiến, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước làm cho ngành GTVT phát triển, làm cho lái xe tuân thủ pháp luật.

Việc đề xuất này vừa mang tính chất răn đe, vừa quản lý. Tuy nhiên, rất khó thực hiện. Thứ nhất, việc quản lý lái xe các Nghị định xử lý đã có tuy nhiên hành vi vi phạm của lái xe vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí có cả những việc chống người thi hành công vụ. Do đó, ngành Công an nên tập trung giải quyết những việc này cho tốt hơn, không nên đề xuất làm rối quản lý xã hội.

Ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ảnh: T.AN

Thứ hai, GPLX được Bộ GTVT cấp, được Nhà nước công nhận. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào hỗ trợ lực lượng chức năng là tốt, nhưng Cục CSGT, Bộ Công an tự đưa thông tin về vi phạm và tự động trừ điểm sẽ không minh bạch, không thuyết phục sẽ gây ra các hậu quả tranh luận lẫn nhau, dẫn đến kiện tụng kéo dài, gây mất ổn định, mất trật tự xã hội.

Thứ ba, cần làm tốt những gì đã có, những quy định đã có. Hiện nay, nhiều nơi CSGT xử phạt thiếu minh bạch, vẫn còn chuyện hối lộ nên lúc này CSGT phải thay đổi nhận thức, thay đổi hình ảnh, quan điểm đó đối với người dân. Nghĩa là ngành CSGT cần phải khắc phục lỗi của mình trước khi yêu cầu người vi phạm khắc phục, không cứ để khi đã nhờn luật thì nói không ai nghe.

“Theo đó, chúng tôi cho rằng, việc cơ quan cảnh sát đề xuất chúng tôi không phản đối nhưng đề nghị nghiên cứu, đối chiếu giữa pháp luật, nhận thức và trình độ xã hội và kể cả trình độ người xử phạt, người quản lý công cụ đó nếu không sẽ phát sinh những hệ lụy kéo dài” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Thành An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/tru-diem-truc-tiep-tren-gplx-lanh-dao-hiep-hoi-van-tai-len-tieng-916262.html