Trứ danh 'tranh thư pháp trên lá sen' của thầy giáo trẻ

Tại cuộc thi 'Ý tưởng, Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018', do Tỉnh Đoàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức, Dự án 'tranh thư pháp trên lá sen, vỏ tràm…' của thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long (SN 1986, ở ấp 4, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã vinh dự đoạt được giải III…

Với niềm đam mê cháy bỏng, chỉ trong hai năm gần đây, thầy giáo Trịnh Phi Long đã nghiên cứu và viết thư pháp thành công trên chất liệu lá sen sấy khô và được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Phi Long vui vẻ cho biết: “Xuất phát từ ông nội truyền cảm hứng nghệ thuật viết thư pháp thông qua một bài báo, chính vì thế mà niềm đam mê chơi thư pháp đã nổi dậy từ năm học lớp 7. Qua tìm hiểu, mày mò đến năm 2008, mình mới phát triển hơn lĩnh vực thư pháp này thành một cơ sở tranh để mình sản xuất và bán ra thị trường. Ông truyền cảm hứng là ông có nghiên cứu về lĩnh vực đó trên một bài báo người ta viết có thể viết chữ ngược rất độc đáo... Ông cho mình xem bài báo đó.

Chính từ đó, mình cảm thấy đam mê và mình tìm cách học hỏi, học ở bạn bè, mình đi chỗ này, chỗ kia mình thấy những người viết thư pháp... thì lúc đó mình về mình mới tập luyện nhiều hơn. Lúc đầu, viết bằng những cây cọ của mấy đứa học sinh vẽ. Sau thời gian mới mua được cây bút của những người viết thư pháp về mình mới tập luyện. Tính từ lúc bắt đầu luyện khi học lớp 12 đến năm 2008 mới tự tin cho ra dòng sản phẩm tranh thư pháp cho riêng mình”.

Để có được một bức tranh thư pháp đẹp, có hồn, thu hút được nhiều người thưởng thức... Phi Long phải trải qua quá trình khổ luyện thật công phu mà theo Phi Long thì: Thư pháp là một môn nghệ thuật, người viết thư pháp phải thật sự đam mê, sống vì đam mê thì lúc đó mới có thể phát triển được năng khiếu và tài năng của mình. Thư pháp thì phải cố gắng luyện tập và học hỏi, có như vậy thì mới tiến xa hơn. Khi viết thư pháp thì trước nhất đòi hỏi cái tâm phải tịnh và tất cả mọi thứ xung quanh mình phải gạt bỏ qua hết, chỉ duy nhất là phải tập trung vào để mình viết làm sao cho nó đẹp nhất...

Sau khi tốt nghiệp ra trường về công tác ở huyện Tam Nông năm 2018, thầy Long theo đuổi niềm đam mê và anh mở cơ sở tranh thư pháp mang tên Phi Long tại nhà. Trong thời gian hành nghề và tích cực quảng bá sản phẩm, tranh thư pháp của Phi Long được đóng khuôn thành phẩm với nhiều kích cỡ đẹp mắt... nên được nhiều khách hàng ưa chuộng tìm đến xem, trải nghiệm và đặt mua.

Nhờ đó mà từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất tranh thư pháp Phi Long cho ra thị trường từ 30 - 40 khung tranh thư pháp các loại, giá dao động từ 250.000 đồng/khung tranh trở lên. Thường là khách du lịch và khách ở trong và ngoài tỉnh ủng hộ rất nhiều.

Mới hơn 30 tuổi, nhưng thầy giáo Trịnh Phi Long đã có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm độc đáo “tranh thư pháp trên lá sen khô” ở địa phương rất đáng tự hào. Hiện tại, Phi Long đang mở lớp dạy viết thư pháp tại Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp và trợ giảng cùng các thầy ở câu lạc bộ thư pháp Sen Việt tỉnh và chuẩn bị mở lớp dạy miễn phí cho các bạn yêu thư pháp…

Để động viên, khuyến khích thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long tiếp tục thực hiện thành công Dự án khởi nghiệp độc đáo từ sản phẩm “tranh thư pháp trên lá sen khô”, anh Nguyễn Chí Khanh - Phó Bí thư Huyện Đoàn Tam Nông cho biết: “Tôi rất hoan nghênh Dự án khởi nghiệp từ sản phẩm độc đáo “tranh thư pháp trên lá sen, vỏ tràm…” của thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long. Bởi, chủ dự án đã thể hiện được sức trẻ, đầy sáng tạo cũng như nhiệt huyết trong khởi nghiệp.

Dự án khởi nghiệp của anh Phi Long, không chỉ tạo việc làm và có nguồn thu nhập đáng kể cho những thanh niên nông thôn mà còn tận dụng những lá sen đặc trưng của vùng đất “Đồng Tháp Sen Hồng”, sản xuất ra thành dòng sản phẩm “tranh thư pháp trên lá sen khô” thật độc đáo… đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc của khách hàng”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/tru-danh-tranh-thu-phap-tren-la-sen-cua-thay-giao-tre-3966642-b.html