Trồng xen canh cây ăn quả ồ ạt trong vườn cà phê ở Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk đã khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê tránh tình trạng tự phát ồ ạt trồng xen canh các loại cây ăn quả lâu năm chạy theo giá cả thị trường trong vườn cà phê.

Chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Từ năm 2012 trở lại đây, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk tự phát đưa cây hồ tiêu và các loại cây ăn quả lâu năm trồng xen trong vườn cà phê với mục đích ban đầu là tăng thêm thu nhập trên từng đơn vị diện tích (vì do giá cà phê nhân xuống thấp) kế đến mới là mục đích làm cây che bóng, chắn gió tạo môi trường thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua kiểm tra cho thấy, khi giá tiêu hạt tăng cao, các nông hộ, doanh nghiệp đổ xô vào trồng cây hồ tiêu xen trong vườn cà phê. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã có gần 20.000 ha cây hồ tiêu được trồng xen trong các vườn cà phê, trong đó, huyện Cư Kuin là địa phương có nhiều nông hộ đưa cây hồ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê nhiều nhất với 8.234 ha.

Đây cũng là cây trồng xen chiếm gần 51% trong tổng diện tích cây trồng xen trong vườn cà phê trên địa bàn tỉnh. Kế đến là cây bơ, sầu riêng được các nông hộ, doanh nghiệp cũng chọn mở rộng diện tích trồng xen trong vườn cà phê lên đến 11.651 ha…

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thực tế cho thấy, việc đưa các loại cây ăn quả lâu năm vào trồng xen trong vườn cà phê không những làm cây che bóng, chắn gió, tạo môi trường sinh thái tốt hơn cho cây cà phê phát triển mà còn tăng thu nhập gấp nhiều lần so với trồng thuần cây cà phê.

Cụ thể, mô hình đưa cây bơ vào trồng xen trong vườn cà phê đã cho thu nhập bình quân trên 399,85 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3,52 lần so với cà phê trồng thuần, trong đó, huyện Krông Búk còn đạt 871,6 triệu đồng/ha.

Đối với các nông hộ, doanh nghiệp trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê thì thu nhập bình quân đạt trên 390,87 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3,44 lần so với cà phê trồng thuần.

Thậm chí có nhiều nông hộ thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Riêng đối với cây tiêu trông xen trong vườn cà phê, do giá tiêu hạt xuống thấp nên thu nhập bình quân chỉ còn 191,32 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần….

Tuy nhiên, hiện nay chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể về thiết kế vườn, mật độ, kỹ thuật trồng, tiêu chuẩn cây trồng xen, chăm sóc, quản lý vườn đối với vườn cà phê có trồng xen.

Mặt khác, thời điểm ra hoa, đậu quả của các loại cây trồng trên vườn có trồng xen là khác nhau nên gây khó khăn cho việc chăm sóc, bón phân, tưới nước…Nghiêm trọng hơn, việc tự ý ồ ạt mở rộng trồng cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê không theo quy hoạch, kế hoạch, thiếu sự gắn kết với các doanh nghiệp nên dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn cung vượt cầu, phát triển thiếu tính bền vững.

Tỉnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành chức năng cần sớm xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cây trồng xen như cây hồ tiêu, cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê để các nông hộ, doanh nghiệp biết áp dụng để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có gần 39.100 ha cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều, mít nghệ…được trồng xen trong vườn cà phê, chiếm 21,11% trong tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh có cây trồng xen./.

Quang Huy/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trong-xen-canh-cay-an-qua-o-at-trong-vuon-ca-phe-o-dak-lak/83394.html