Trong tương lai con người có thể sản xuất nọc độc như rắn?

Với phát hiện mới nhất, các nhà khoa học tin rằng con người hoàn toàn có thể có nọc độc trong tương lai.

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tuyến nước bọt ở động vật có vú và tuyến nọc độc của rắn. Do đó, mặc dù con người hiện không sở hữu vết cắn gây tử vong nhưng tương lai lại là một câu chuyện khác.

Những nghiên cứu trước đây thường chỉ tập trung vào các gene đằng sau các chất độc cụ thể chứa trong nọc độc của các loài khác nhau nhưng không đưa ra được bất kỳ câu trả lời cụ thể nào về cách hệ thống nọc độc ở miệng phát triển lần đầu tiên như thế nào.

Với nghiên cứu này, các tác giả chọn cách không kiểm tra gene liên quan đến việc sản xuất độc tố mà tập trung vào cái gọi là gene hỗ trợ điều chỉnh hệ thống nọc độc ở miệng.

Họ phân tích gien của rắn habu Đài Loan và xác định được khoảng 3.000 gien như vậy, được đặt tên chung là "mạng metavenom". Các gene trong mạng lưới này chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh sự gấp khúc của protein là một bước thiết yếu trong quá trình sản xuất nọc độc, được tạo thành từ một loạt các protein phải được điều chỉnh chính xác.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện những gien này trên một số loại động vật có vú như tinh tinh, chuột, chó và cả con người. Nhóm còn phát hiện những gien này hoạt động trong các mô tuyến nước bọt của động vật có vú tương tự như cách chúng hoạt động trong tuyến nọc độc của rắn.

Do đó, dù tuyến nọc độc của rắn và tuyến nước bọt của động vật có vú có thể phục vụ các chức năng khác nhau nhưng có chung một bộ gene quy định vẫn tồn tại kể từ khi tách biệt trong quá khứ.

Rắn tiến hóa theo hướng kết hợp nhiều chất độc khác nhau để tạo nọc độc. Một số loại động vật có vú như chuột chù cũng có nọc độc nhưng không phát triển như rắn. Phát hiện mới cho phép các nhà nghiên cứu đi đến kết luận những loại có vú như chuột chù cũng có thể gia tăng nồng độ chất độc trong nọc độc của chúng. "Có những thí nghiệm vào những năm 1980 cho thấy chuột đực tạo ra các hợp chất trong nước bọt của chúng có độc tính cao. Trong một số điều kiện sinh thái nhất định, khoảng vài nghìn năm nữa chúng ta có thể gặp phải những con chuột có nọc độc", tác giả nghiên cứu Agneesh Barua nói. Nhóm nghiên cứu cho hay điều này cũng không loại trừ đối với con người.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trong-tuong-lai-con-nguoi-co-the-san-xuat-noc-doc-nhu-ran-a510272.html