Trong trường 'bên trọng, bên khinh'

Chính sự thiếu công tâm của hiệu trưởng đã dẫn đến những mâu thuẫn, những áp lực trong nhà trường. Vô tình điều này cũng khiến cho học sinh học lệch lạc.

LTS: Chia sẻ về vấn nạn "bên trọng, bên khinh” diễn ra ở một số trường học hiện nay, tác giả Hồng Lam Sơn cho rằng, chính sự thiếu công tâm của hiệu trưởng đã dẫn đến những mâu thuẫn, những áp lực trong nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài các hoạt động trong trường học thì chúng ta luôn thấy sự nhộn nhịp, vui tươi diễn ra hàng ngày…

Nhưng mấy ai “thấu cảm” được những nỗi niềm của giáo viên mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu phần nào. Đó là tình trạng “bên trọng, bên khinh” của hiệu trưởng đã dẫn tới những bất công này.

Có những hiệu trưởng thiếu sự công bằng, công tâm trong sự quan tâm đến các hoạt động của tổ chuyên môn.

Hiệu trưởng thiếu công bằng gây ra mất dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: NOP).

Thông thường, hiệu trưởng là người “xuất thân” tự bộ môn khoa học tự nhiên thì sẽ luôn “ưu ái” cho các tổ khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học…

Các đợt bồi dưỡng, tập huấn, giao lưu học hỏi dù đi xa đến mấy thì các thành viên của các tổ này luôn được tạo điều kiện về mọi mặt (thời gian, kinh phí đi - về, mua tài liệu…) để đi tham dự.

Các đội tuyển học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa có khi còn được gửi ra Hà Nội để “tầm sư học đạo”, mong đủ thực lực để có huy chương, làm “rạng rỡ” cho danh tiếng nhà trường, dù tốn kém tới đâu.

Thành ra có ý kiến rằng: nhà trường đem vàng thật đi đổi vàng giả.

Các hoạt động câu lạc bộ của các tổ Toán, Vật lý, Hóa học, Anh văn luôn hoạt động thường xuyên vì hiệu trưởng luôn “rộng rãi” về kinh phí hoạt động.

Theo quan điểm của nhiều hiệu trưởng, các môn Toán, Vật lý, Hóa học là những môn chính trong nhà trường.

Học sinh phần lớn chọn ngành theo tổ hợp các môn khoa học tự nhiên nên cần phải đầu tư thỏa đáng mới có kết quả. Mà kết quả (tỷ lệ vào đại học) là “thước đo” giá trị “thương hiệu” của nhà trường.

Thành ra, các tổ khác, nhất là các tổ chuyên môn thuộc khoa học xã hội như Ngữ văn; tổ ghép: Lịch sử - Giáo dục công dân - Địa lý; Thể dục - Giáo dục quốc phòng; Công nghệ - Kỹ thuật nông nghiệp… đều bị coi nhẹ (được coi là môn phụ).

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền

Từ tư tưởng “bên trọng, bên khinh” ấy nên các bộ môn này hầu như ít được đi tập huấn, giao lưu, học hỏi các trường bạn vì … thiếu kinh phí.

Thậm chí nhà trường còn hướng dẫn các bộ môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tổ chức học theo “chuyên đề”, cứ 3 đến 4 bài dạy gom làm một dạy “đại trà” tại hội trường trong một buổi. Đề kiểm tra nên ra dễ để “tạo điều kiện” cho các em có điểm cao.

Thời gian còn lại dành cho các bộ môn khoa học tự nhiên “ôn luyện” để vào đại học nhiều hơn.

Chính sự thiếu công tâm của hiệu trưởng đã dẫn đến những mâu thuẫn, những áp lực trong nhà trường. Vô tình điều này cũng khiến cho học sinh nhìn các bộ môn khoa học xã hội rất lệch lạc.

Theo các em, các bộ môn như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân có học cũng được mà không có cũng chẳng sao, miễn là vô được đại học.

Giữa giáo viên cũng có những mâu thuẫn: bộ môn được “ưu ái” thì luôn được “trọng”, còn bộ môn khoa học xã hội thì bị xem thường.

Tập trung vào bộ môn “mũi nhọn”, tạo “đột phá” là cần thiết nhưng cần đối xử công bằng với các bộ môn khác; đừng làm kiểu “bên trọng, bên khinh” như nêu ở trên.

HỒNG LAM SƠN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/trong-truong-ben-trong-ben-khinh-post204021.gd