Trồng trọt Bình Định, một năm thắng lớn

Phải đối mặt với thời tiết đầy bất thuận, nhưng nhờ linh động trong chỉ đạo sản xuất nên ngành trồng trọt Bình Định đã có những vụ mùa thắng lợi.

Trong năm 2020, sản xuất nông nghiệp ở Bình Định gặp phải không ít khó khăn, vụ hè thu nắng nóng kéo dài, nước trong các hồ chứa thấp hơn so trung bình nhiều năm. Hàng ngàn héc ta đất phải bỏ trống không thể sản xuất.

Tiếp đến, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không ít đến sản xuất và đầu ra của một số nông sản. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ linh động trong chỉ đạo sản xuất, nên ngành trồng trọt Bình Định liên tiếp thắng lớn.

 Năng suất lúa ở Bình Định trong năm 2020 ước đạt 65,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so cùng kỳ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năng suất lúa ở Bình Định trong năm 2020 ước đạt 65,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so cùng kỳ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2020 diện tích gieo trồng lúa ở tỉnh này ước đạt 93.769ha, giảm 6.180ha so năm 2019, năng suất bình quân ước đạt 65,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so cùng kỳ.

Về cây trồng cạn, do nắng hạn nên một số cây trồng bị giảm diện tích, như cây đậu phộng (lạc) và mì (sắn). Các loại cây trồng cạn trồng trên đất lúa diện tích thì lại tăng như bắp (ngô) và rau đậu các loại. Trong năm qua, nhờ nông dân đầu tư thâm canh nên năng suất các loại cây trồng cạn đều tăng. Cụ thể cây lạc năng suất bình quân ước đạt 35 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm 2019; rau các loại năng suất bình quân ước đạt 181,4 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha so với năm 2019; đậu các loại năng suất bình quân ước đạt 18,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm 2019; cây sắn ước đạt 272,8 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha so với năm 2019.

Năng suất đậu phộng (lạc) ở Bình Định trong năm 2020 ước đạt 35 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm 2019. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, sở dĩ tất cả những vụ trồng lúa trong năm 2020 ở Bình Định vượt qua được những bất thuận của thời tiết, năng suất đạt cao hơn năm trước là nhờ ngành chức năng linh động trong cơ cấu lịch thời vụ. Dự báo năm nay nắng nóng kéo dài nên Bình Định chủ động sản xuất theo hướng gieo sạ sớm, tập trung theo vùng. Vụ đông xuân tập trung gieo sạ trong tháng 12/2019; vụ hè gieo sạ ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân; lúa vụ thu gieo sạ sớm từ 5 - 10 ngày so mọi năm, vùng có nguy cơ thiếu nước gieo sạ từ nửa cuối tháng 4. Nhờ đó, lúa vụ đông xuân không bị thiệt hại do mưa lũ đầu vụ; gieo sạ sớm vụ hè thu đã hạn chế được thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước vào cuối vụ.

Trong năm 2020, năng suất các loại rau ở Bình Định ước đạt 181,4 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha so với năm 2019. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Điểm sáng của sản xuất nông nghiệp ở Bình Định trong năm 2020 là công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa. Trong năm nay, Bình Định chuyển đổi ước đạt 3.469ha, tăng 130ha so năm 2019. Cây trồng cạn chuyển đổi trên đất lúa có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa từ 4-23 triệu đồng/ha tùy theo loại cây trồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống nông dân. Công tác chuyển đổi còn góp phần phá thế độc canh cây lúa, luân canh cây trồng tiết kiệm được nước tưới, góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Trong năm 2020 Bình Định xây dựng được 264 cánh đồng mẫu lớn với nhiều loại cây trồng; trong đó, vụ đông xuân thực hiện được 148 cánh đồng, vụ hè thu 116 cánh đồng với diện tích 12.857ha, tăng 30 cánh đồng và tăng 842ha so với năm 2019, có trên 127.000 hộ nông dân tham gia.

Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt 6 dự án cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích 995ha. Trong năm 2020, diện tích sản xuất lúa giống các cánh đồng lớn là 1.310ha, năng suất bình quân đạt 74 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt cao.

Năng suất cây mì (sắn) ở Bình Định trong năm 2020 cũng tăng 3,1 tạ/ha so với năm 2019. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chuỗi liên kết lúa giữa các doanh nghiệp với các HTXNN trong năm 2020 cũng tăng tốc. Năm nay Bình Định thực hiện được 50 cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất lúa giống với diện tích 2.684ha, tăng 372ha so với năm 2019; năng suất bình quân 72,5 tạ/ha, với giá thu mua cao hơn thóc thịt từ 25 - 30%, lợi nhuận sản xuất lúa giống tăng trên 12,5 triệu đồng/ha so với lúa thương phẩm.

“Ngoài ra, năm 2020 Bình Định còn phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết bưởi ở Hoài Ân; ngô ngọt ở Tây Sơn; đinh lăng ở Phù Cát, Tây Sơn và ngô sinh khối ở Phù Mỹ”, bà Nguyễn Thị Tố Trân cho hay.

“Trong vụ đông xuân 2020-2021 sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung duy trì và nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Phối hợp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tập trung xây dựng các chuỗi liên kết lúa giống; bưởi ở Hoài Ân; lạc ở Phù Cát, Phù Mỹ; ngô ngọt ở Tây Sơn; đinh lăng ở Phù Cát, Tây Sơn; ngô sinh khối ở Phù Mỹ; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Luật Trồng trọt trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trong-trot-binh-dinh-mot-nam-thang-lon-d276051.html